Cha mẹ lo ‘sốt vó’ khi con 2 tuổi ngực đã nở nang như nữ sinh độ tuổi dậy thì

20/09/2018 - 18:11
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thường xuyên tiếp nhận những trường hợp cha mẹ đến “cầu cứu” bác sĩ vì con dậy thì sớm. Theo bác sĩ Vương Thị Minh Nguyệt - người đang quản lý, theo dõi, điều trị cho 12 ca tại bệnh viện này: “Trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng”.

Theo các bác sĩ nhi khoa, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ở nước ta ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của trẻ và khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng. Theo bác sĩ Vương Thị Minh Nguyệt, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, dậy thì sớm là tình trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay.

2.jpg
Bác sĩ Vương Thị Minh Nguyệt với 12 hồ sơ bệnh án liên quan đến dậy thì sớm.

Đơn cử trường hợp bé D.A (Nam Đàn, Nghệ An) mới 2 tuổi, D.A đã có tuyến vú phát triển, nở nang như nữ sinh trong độ tuổi dậy thì. Lo lắng, mẹ cháu đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cháu D.A. mắc chứng dậy thì sớm và cần phải điều trị kịp thời.

Hoặc như cháu T.N. (8 tuổi, ở Nghệ An), đã có thân hình vạm vỡ, dáng dấp cao hơn bạn cùng trang lứa, giọng nói ồm ồm, mặt xuất hiện trứng cá, mọc lông mu ở dương vật. Thấy bất thường, gia đình bệnh nhân T.N. cũng vô cùng lo lắng, đưa con đi khám. “Tại Bệnh viện, với những dấu hiệu điển hình trên chúng tôi xác định cháu T.N. mắc chứng dậy thì sớm. Với trường hợp bệnh nhân này nếu không được điều trị, đến lúc trưởng thành sẽ mất cơ hội phát triển chiều cao”, bác sĩ Nguyệt cho biết.

 

1.jpg
Ngày càng có nhiều cha mẹ ở Nghệ An đến "cầu cứu" bác sĩ vì con dậy thì sớm.

Theo phân tích của bác sĩ Nguyệt, dậy thì sớm được coi là giai đoạn phát triển sinh lý của cơ thể, thường kéo dài trong vòng từ 3 đến 5 năm. Căn cứ vào những biểu hiện bất thường ở trẻ trai trước 10 tuổi và trước 9 tuổi ở trẻ gái được coi là sớm. Những trẻ dậy thì sớm thường có dấu hiệu tăng trưởng rất nhanh, chiều cao phát triển từ 7 đến 15 cm/năm. Ở trẻ gái có tuyến vú to bất thường, có thể to một bên, âm đạo tăng tiết nhày. Kinh nguyệt có trước 8 tuổi. Lông mu và lông nách xuất hiện trước đó hoặc sau khi tuyến vú to ra. Đối với trẻ trai giọng trầm, trứng cá, cơ bắp vạm vỡ, mọc lông mu, mọc ria mép, thể tích tinh hoàn tăng trên 4ml, có mùi cơ thể.

 

Dậy thì sớm có 2 thể là dậy thì sớm thật (thể trung ương) và dậy thì giả (thể ngoại biên). Trong đó, dậy thì thể trung ương chiếm tới 90%, nguyên nhân do có sự kích hoạt của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, gây tăng tiết hormone hướng sinh dục từ tuyến yên. Tuyến yên được ví như "nhạc trưởng” báo hiệu hoạt động của tuyến sinh dục. Với trẻ gái, 80% thường không rõ lý do; với trẻ trai, 70% thường là khối u, tổn thương thần kinh. Còn dậy thì thể ngoại biên nguyên nhân là do bệnh lý, như u nang buồn trứng, u tinh hoàn, u não, tăng sản thượng thận bẩm sinh…

 

Cũng theo bác sĩ Nguyệt: “Đối với những trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều phụ huynh khi thấy con có biểu hiện dậy thì sớm nhưng vẫn khỏe mạnh, thậm chí còn tự hào khi thấy con mình có thân hình vạm vỡ hơn chúng bạn. Tuy nhiên, những trường hợp này đến tuổi trưởng thành chắc chắn trẻ sẽ lùn hơn so với chiều cao tiêu chuẩn vì hormone sinh dục kích thích sự phát triển của xương làm các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không thể phát triển chiều cao.

Đối với những trẻ dậy thì sớm, trẻ sẽ có ít hơn 3 năm phát triển chiều cao so với các bạn. Thường trẻ gái thấp hơn 12cm và trẻ trai thấp hơn các bạn tới 20cm khi trưởng thành. Ngoài ra, dậy thì sớm còn khiến trẻ bị khủng hoảng cảm xúc, khủng hoảng tâm lý, dễ rơi vào lo lắng, hoang mang và tự ti về thân hình của mình, có nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn... Mặt khác, trẻ dậy thì sớm cũng dễ đối mặt với nhiễm trùng sinh dục, bất lực do thủ dâm sớm và kéo dài lúc nhỏ tuổi…”.

3.jpg
Trẻ dậy thì sớm có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ lo lắng, bất an, bị quấy rối... - Ảnh minh họa

Lời khuyên dành cho cha mẹ

Nhiều người cho rằng, hiện nay trẻ có biểu hiện dậy thì sớm hơn ngày xưa nhiều là do môi trường sống, do thực phẩm chăn nuôi còn tồn dư chứa nhiều chất kích thích, nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định vấn đề này.

Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi khi con gái có tuyến vú sớm trước 8 tuổi, con trai có tinh hoàn phát triển trước 9 tuổi; Chung cho cả 2 giới là tốc độ tăng chiều cao 7-15 cm/năm và mọc lông mu và lông nách.

“Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện nay, những tiến bộ của y học cho phép việc điều trị dậy thì sớm cho kết quả khả quan. Thường những bệnh nhân bị dậy thì sớm, các bác sĩ phải tiêm thuốc ức chế trục đồi tuyến yên để ngừng những dấu hiệu phát triển dậy thì sớm của trẻ. Thuốc điều trị hiện tại có 2 loại, một là tiêm 5 tháng 1 loại là tiêm 3 tháng 1”, bác sĩ Nguyệt cho hay.

Nhiều gia đình có con dậy thì sớm, nghe các thông tin trên mạng, sau đó đưa con đi tiêm hormon để kìm hãm dậy thì sớm với mong muốn con phát triển đúng tuổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc các phụ huynh lo lắng con dậy thì sớm là chính đáng. Tuy nhiên, việc dùng hormone ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ khiến trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

“Những trường hợp nữ dưới 6 tuổi đã dậy thì, khi tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như: Kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt, từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, tránh bị xâm hại tình dục. “Về lâu dài sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao”, bác sĩ Nguyệt cho biết thêm.

Tuy nhiên, các trường hợp từ 8 tuổi trở lên dậy thì sẽ không cần phải tiêm hormone. Nếu điều trị thì chỉ có thể giúp giải quyết được những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có. Các chuyên gia cũng khẳng định, thuốc nội tiết dành cho trẻ cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Với trẻ nhỏ, việc ăn uống điều độ, tập luyện thể thao là điều quan trọng hơn cả và nên sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc.

4.jpg
Khi phát hiện trẻ dậy thì sớm, các cha mẹ cần giải thích cho con hiểu vì sao con lại phát triển sớm hơn các bạn và trang bị cho con những kiến thức cần thiết để ứng xử phù hợp với tình trạng này - Ảnh minh họa.

Đặc biệt, cha mẹ cần thường xuyên tâm sự, chia sẻ với trẻ những cảm giác lo lắng mà trẻ có nhằm giải tỏa gánh nặng về tâm lý, tránh nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng.

Hiện trẻ có xu hướng dậy thì sớm hơn nhiều so với 40 năm trước khoảng từ 1 đến 1,5 năm. Tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ em gái cao hơn trẻ trai từ 5 đến 10 lần đồng thời tuổi dậy thì của trẻ em gái cũng sớm hơn so với trẻ em trai. Tại các nước phương Tây, so với những năm 1840 trẻ em thường dậy thì ở độ tuổi 16 thì đến khoảng 1960, trẻ dậy thì ở khoảng độ tuổi 12-13 và hiện trẻ dậy thì ở độ tuổi 10-12, có khi sớm hơn.

Với trẻ em châu Á, một nghiên cứu tại nông thôn Trung Quốc cho thấy, trẻ gái bắt đầu dậy thì vào khoảng 9,2 tuổi và có kinh nguyệt khoảng 12,27 tuổi và có khoảng 20% trẻ gái có ngực phát triển trước 8 tuổi.

Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về số trẻ mắc bệnh lý này, nhưng theo các bác sĩ nhi khoa, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ở nước ta ngày càng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nếu như cách đây vài năm chỉ tiếp nhận 5 - 7 bệnh nhân, đến năm 2017 con số này đã tăng đến 120 bệnh nhân…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm