pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ nên trả lời thế nào khi con hỏi "Em bé đến từ đâu hả mẹ?"
Ở độ tuổi 6-7, trẻ bắt đầu được nghe bạn bè kể về cách người lớn tạo ra em bé. Bạn hãy sẵn sàng giải thích những băn khoăn của bé về giới tính một cách tế nhị, phù hợp với lứa tuổi để con không bị bối rối hoặc lo lắng.
Trong cuốn sách What's my child thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại) của tác giả Tanith Carey đã giải thích khá rõ ràng về vấn đề này. Cụ thể:
Bé tò mò: "Em bé đến từ đâu hả mẹ"
Trẻ em ngay nay tò mò với vị trí của chúng trên thế giới và chúng đến từ đâu. Nếu không hiểu sự thật trẻ có thể sử dụng "tư duy ma thuật". Nghĩa là trẻ bịa ra một câu chuyện để giải thích những gì trẻ chưa hiểu. Ví dụ trẻ có thể tưởng tượng rằng khi ai đó muốn có con, tất cả những gì trẻ phải làm là đến bệnh viện và yêu cầu có một đứa con.
Người lớn nghĩ gì khi trẻ hỏi như vậy?
Bạn có thể nghĩ "Con còn quá nhỏ để hiểu về bất cứ điều gì của người lớn, mình không muốn nói sai điều gì đâu". Bạn có thể cảm thấy lo lắng vì bạn muốn trẻ ngay từ đầu đã hiểu đúng về giới tính và bạn không muốn làm con mình sợ. Bạn cũng có thể không thoải mái khi tiết lộ khía cạnh thân mật của bản thân với con trẻ và cảm thấy xấu hổ nếu trẻ phát hiện ra đây là cách mà bạn đã tạo ra con mình.
Trẻ nghĩ gì khi thắc mắc như vậy?
Khi hỏi câu đó, thật ra con đang nghĩ: "Mình đã nghe các bạn kể rằng bố cho dương vật của mình vào bên trong mẹ để sinh con nhưng điều đó không thể là sự thật được". Ở độ tuổi này, còn bạn nhận thức rõ hơn về sự khác biệt giữa con trai và con gái, những gì bé đã nghe có vẻ kỳ lạ hoặc thậm chí rất ghê đối với bé. Bé có thể đang muốn bạn trấn an rằng sự thật không lạ lùng như bé vẫn nghe. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, con chỉ có thể hiểu cơ chế đơn giản của quá trình sinh nở.
Bạn nên phản ứng thế nào?
Ngay lúc đó:
1. Bạn hãy hỏi trẻ để nắm rõ trẻ biết được bao nhiêu. Hãy hỏi ngược lại trẻ rằng "thế con nghĩ em bé đến từ đâu". Một khi đã nắm rõ mức độ hiểu biết của con, bạn sẽ biết cách đáp lại bằng những từ ngữ phù hợp và giải tỏa mọi hiểu lầm.
2. Nói với bé những điều cơ bản: Bạn hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản mà bạn cảm thấy thoải mái. Ví dụ bạn hãy nói "Một loại hạt đặc biệt được gọi là tinh trùng chui ra khỏi cơ thể của bố và bơi vào trong cơ thể của mẹ. Khi chúng gặp nhau, một em bé có thể bắt đầu lớn lên.
3. Dừng lại đúng lúc: Nếu con bạn phản ứng bằng một tiếng cười, hãy cười theo và nói rằng đó là điều mà người lớn đôi khi sẽ làm đề cảm thấy gần gũi và thể hiện tình yêu thương. Dừng cuộc trò chuyện nếu con không còn câu hỏi nào nữa. Như vậy có nghĩa là con đã có đủ thông tin và cần thời gian để xử lý những thông tin này.
Về lâu dài
1. Tiếp tục trò chuyện: Khi con lớn hơn, hãy quay lại nói về chủ đề này một cách tự nhiên để bạn có thể bổ sung thêm ngữ cảnh, chẳng hạn như đó là điều tốt đẹp đối với những người trưởng thành yêu nhau. Bạn hãy nói rằng bạn biết điều đó nghe có vẻ khó hiểu nhưng hãy đảm bảo với con rằng sau này lớn hơn con sẽ rõ.
2. Sử dụng các nguồn thông tin khác: Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tìm từ ngữ để trao đổi với con thì hãy sử dụng những cuốn sách do các chuyên gia viết riêng về giáo dục giới tính cho trẻ em để dẫn dắt các cuộc trò chuyện và thảo luận của bạn với con mình.