Cha mẹ ngã ngửa khi biết con 'sống theo like'

09/03/2017 - 20:00
Đặt ra mục tiêu và cố gắng hoàn thành mục tiêu là các kỹ năng nhiều ông bố, bà mẹ luôn muốn trang bị cho con mình. Chính bởi kỳ vọng đó mà không ít phụ huynh đã gần như ngã ngửa khi phát hiện con mình sống... vì những chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Tốt nghiệp 3 năm, nhảy việc 10 công ty

Hồi đầu năm 2014, Anh Phương (sinh năm 1991, TPHCM) được chọn tham gia đợt thực tập sinh tại công ty tổ chức sự kiện AiC ở Kuala Lumpur, Malaysia. Mất hơn 1 tháng để chuẩn bị giấy tờ làm visa, Phương đã chính thức đặt chân tới thành phố cách TPHCM gần 2 giờ bay.

Vợ chồng chị Yến tiễn con ra sân bay với 2 chiếc vali nặng trịch quần áo và đồ đạc cho 6 tháng xa nhà. Hơn 1 tháng sau đó, Phương gọi điện cho mẹ thông báo đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Chị Yến ngạc nhiên đến mức không tin vào tai mình. Do trục trặc trong công việc và mâu thuẫn với đồng nghiệp, con gái chị đã chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bỏ về, để lại đằng sau các khoản phí đã nộp và khoản lương 1 tháng chưa biết bao giờ mới được lĩnh.
phuong-o-malaysia-ao-trang.JPG
Anh Phương (trái) trong đợt thực tập sinh tại Malaysia

“Trước mặt chúng tôi hay trên Facebook, con đều tỏ ra rất tự hào về thành tích nghỉ việc giữa chừng đó. Thậm chí, con bé còn viết nhiều bài đăng dài trên Facebook chia sẻ các trải nghiệm đã có trong khoảng thời gian ở Malaysia. Lúc cả nhà ngồi ăn tối, con cũng rút điện thoại ra và hào hứng khoe với chúng tôi mỗi khi có nhiều người bấm “like” (thích) những gì con đăng”, chị Yến kể. Đến tháng 7 tới là tròn 3 năm kể từ ngày Phương tốt nghiệp đại học nhưng cô đã nhảy việc tới hơn 10 công ty.

“Chúng tôi không thể khuyên con điều gì. Con bé nói với vợ chồng tôi rằng nhảy việc liên tục là mục tiêu của con, nói đó là xu hướng của giới trẻ!”. “Các bạn trẻ khác sẽ hâm mộ và theo dõi con”, Phương giải thích với mẹ như vậy! Trước đề nghị của chúng tôi về việc chia sẻ trên Facebook của con gái chị, chị Yến không đồng ý trong khi con gái chị tỏ ra rất phấn khích chia sẻ.

Du lịch chỉ để... check in

Nguyễn Bảo (ở Hà Nam) năm nay mới học lớp 11 nhưng đã đặt chân tới gần 20 thành phố trên khắp đất nước. “Thằng bé đi du lịch lạ lắm!” - chị Uyên, mẹ của Bảo, nói về thói quen check in (đánh dấu địa điểm) của con ở mỗi nơi con đến. “Tôi không khuyến khích con đi nhiều, do vẫn còn đang ở tuổi đi học, bài vở nhiều. Nhưng thằng bé từ lâu đã tự kiếm ra tiền từ việc dịch sách. Chồng tôi nói rằng nên để thằng bé có quyền quyết định dùng tiền vào việc gì!”, chị Uyên cho biết. Lúc Bảo nói muốn đi du lịch, chị Uyên tỏ ra khá lo lắng. Nỗi lo lắng của chị dần chuyển từ việc con đi chơi gặp nguy hiểm sang việc con có thể gặp vấn đề về tâm lý.

“Đợt thằng bé vào Nam thăm ông bà, rồi tranh thủ tự đi Cà Mau chơi. Lúc về, chúng tôi hỏi người dân ở Cà Mau thế nào, có món gì đặc sản không thì con đều không biết!”, chị Uyên nhớ lại. Bảo đã chìa màn hình điện thoại với các bài đăng check in địa điểm ở bến tàu, ở Đất Mũi ra để biện minh với mẹ. Theo chị Uyên, Bảo chỉ muốn đến các địa điểm mọi người thường đi, chụp một bức ảnh tại đó và đăng lên Facebook cho bạn bè thấy và ghen tị!?
fb.jpg
Trước tình trạng sống ảo ngày càng phổ biến của người trẻ, bố mẹ cần là tấm gương hướng dẫn con sống thực tế hơn
Sống cho ai?

Facebook là mạng xã hội ảo. Mọi thông tin trên đó đều có thể là ảo, song tác động và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của mỗi cá nhân là có thật. Trước tình trạng “sống ảo” ngày càng trở nên phổ biến ở người trẻ, bố mẹ cần là tấm gương hướng dẫn con sống thực tế hơn và không chạy theo số lượt “like” và “chia sẻ” phù phiếm trên mạng.

Chúng ta không có nhiều thời gian để sống, hãy sống một cách có ý nghĩa hơn. Giúp con nhận ra điều đó nên là mục tiêu đối với các ông bố, bà mẹ thời @.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm