pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ tận dụng tiền lì xì ngày Tết để dạy con về tiền bạc
Lì xì ngày tết cho trẻ là một phong tục lâu đời của dân tộc ta. Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới.
Thông thường, sau dịp Tết, cha mẹ thường khéo léo thu lại số tiền lì xì đó của trẻ. Người thì cho con "đút lợn", có gia đình lại dành số tiền đó để mua sắm dụng cụ học tập, quần áo hay đóng học phí cho con… Hầu hết người lớn đều thay trẻ quyết định số tiền đó phải tiêu như thế nào vì nghĩ trẻ con còn nhỏ, đưa chúng một số tiền lớn là điều không nên. Trẻ có tiền sẽ đánh rơi, tiêu hoang, hoặc tệ hại hơn là sinh hư… Việc người lớn né tránh việc cho con tiếp xúc với tiền bạc sớm là một điều tốt. Tuy nhiên điều đó chưa đúng.
Theo bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, Ủy Viên Cấp cao của Hiệp Hội Dinh dưỡng và Y học Lối sống Vương quốc Anh (BANT), ngày nay, trẻ con quá dễ có 1 món đồ chơi hay bất cứ điều gì trẻ muốn. Con dễ dàng có, nhưng không được dạy tại sao có, thì hiển nhiên mặc định là từ thẻ ATM của cha mẹ. Điều này làm trẻ có một khái niệm sai về tiền khi chúng được tiếp xúc với tiền thực sự.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, cho con tiếp xúc với tiền bạc sớm giúp trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, quản lý và tổ chức cuộc sống. Ngoài ra, qua đồng tiền, bố mẹ cũng có cơ hội dạy con biết giá trị của sức lao động và quý trọng lao động.
Khi dạy trẻ về tiền, cần giáo dục cho con sớm và ở mỗi lứa tuổi, cha mẹ nên có hướng dẫn chúng khác nhau. Cha mẹ hãy tranh thủ dịp Tết này để dạy trẻ nhiều bài học hay về tiền bạc.
Cha mẹ cần dạy con về tiền bạc thế nào?
Theo chuyên gia Anh Nguyễn, mỗi độ tuổi sẽ có cách nhận thức về tiền khác nhau:
* TRẺ 3-4 TUỔI
Ở độ tuổi này, dạy trẻ nhận thức về dạng tiền và nguồn tiền là quan trọng để trẻ hiểu các dạng có thể chi tiêu và tiết kiệm trong tương lai.
Sau khi mua hàng trong siêu thị hay online, cha mẹ có thể cho trẻ biết "mẹ trả tiền cho cô để mua gói bánh này" hay "mẹ có thể dùng thẻ ATM để thanh toán và phải cần chữ ký của mẹ hoặc số bí mật". Cha mẹ chỉ dừng ở mức khái niệm cho độ tuổi này.
Khi trẻ có tiền lì xì, con chưa biết giữ tiền, cha mẹ hãy dạy trẻ cách bảo quản tiền hợp lý. Như thế con sẽ được rèn thói quen cẩn thận. Mẹ có thể sắm cho con 1 chiếc túi xinh để bé thích thú hơn khi cho tiền vào trong đó.
* TRẺ 5-6 TUỔI
Theo TS. Whitebread, ĐH Cambridge, trẻ bắt đầu hiểu giá trị của hàng hóa và định giá. Bây giờ là lúc để bắt đầu giải thích các loại đồ chơi khác nhau có giá bao nhiêu và cách mọi người kiếm tiền. Kết nối việc bố hoặc mẹ đi làm với việc chi tiền mua đồ chơi hoặc đi chơi cùng gia đình. Khi rút tiền lãnh lương, cha mẹ có thể cho trẻ biết "đây là tiền mà mẹ đi làm mới có".
Từ 6 tuổi, phụ huynh có thể cho trẻ 1 ít tiền tiêu vặt nhỏ, không nên nhiều hơn 10 ngàn VND/ngày. Khuyến khích trẻ chi tiêu khoản tiền đó cho mục đích lành mạnh của trẻ khi có dịp, sẽ tốt hơn là tự bỏ tiền túi của bố mẹ để mua món đồ đó.
Khi con muốn dùng tiền lì xì mua đồ, bạn có thể hỏi một số câu như: "Con có cần món đồ này không?", "Con sẽ sử dụng món đồ được mua chứ?" hoặc "Tại sao món đồ này lại quan trọng với con?". Những câu hỏi này có thể đơn giản nhưng kích hoạt não bộ trẻ suy nghĩ, cân nhắc và tìm ra sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Nếu trẻ thích những đồ vật đắt tiền, bạn có thể biến đó thành cơ hội dạy về sự tiết kiệm.
Bố mẹ có thể mua cho trẻ một chiếc ví đựng tiền lẻ. Ngoài việc rèn luyện tính trách nhiệm với những món đồ quan trọng của mình, trẻ còn có thể kiểm soát mình còn bao nhiêu tiền. Trẻ cũng sẽ không cảm thấy rằng "tiền chỉ có thể thuộc về cha mẹ", từ đó học cách chi tiêu phù hợp.
* TRẺ 7-8 TUỔI
Độ tuổi này trẻ có thể nhận thức và cân đối tiền ít - nhiều trong đưa ra quyết định chi tiêu. Bên cạnh đó, trẻ cũng hiểu về khoản tiết kiệm.
Phụ huynh có thể bắt đầu dạy con về các lọ tiền như bên dưới:
• Lọ tiêu tiền: chi tiêu thứ cần nhất. Với lọ này, con có thể mua đồ chơi, bánh kẹo khi đi học .
• Lọ để dành & lọ cho người nghèo: Với lọ này con có thể dùng để mua đồ cho con khi con hết túi tiền tiêu, nhưng con cũng có thể chọn mua cho người khác khi họ cũng hết túi tiền tiêu. Nhiều bé chọn cách dùng số tiền này để cho nhà thờ, cho 1 quỹ từ thiện, cho người vô gia cư, mua bánh cho bạn nhỏ, mua đồ ăn cho mèo hoang, làm bánh cho người già vào ngày lễ. Khi bạn cho trẻ tự chọn sử dụng nó thì bạn đừng can thiệp trẻ dùng nó làm gì. Bạn chỉ gợi ý cho trẻ những nguồn đề cập ở trên, còn quyết định dùng nó thế nào là ở trẻ. Bài học trẻ học về sự lựa chọn sẽ có giá trị rất lớn.
Những người lớn tuổi bày tỏ lời chúc phúc cho con cái bằng cách lì xì. Ngược lại, khi ông bà, cô chú tổ chức sinh nhật hoặc trong những ngày lễ trọng đại của gia đình, bạn cũng có thể cùng con cái bàn bạc để dùng tiền lì xì mua tặng lại một số món quà nhỏ tiết kiệm mà ý nghĩa, chủ yếu là để nuôi dưỡng đức tính biết ơn ở trẻ.
Bạn cũng có thể khuyến khích con lấy một ít lì xì để làm từ thiện. Đầu tư một số tiền nhỏ vào phúc lợi công cộng, để trẻ học cách cho đi, đồng cảm và biết cách trân trọng cuộc sống.
• Lọ đầu tư: Trẻ từ 8 tuổi có thể bắt đầu thêm lọ này. khuyến khích con dùng nó để mua sự hiểu biết: Sách, lớp học, khóa học. Hãy hỏi trẻ con muốn tìm hiểu gì thêm. Nếu con biết con cần hiểu thêm điều gì, đó là lúc con cần đầu tư. Dạy con đầu tư không hẳn phải dạy trẻ lấy tiền để học 1 bài học kinh doanh. Đơn giản, bạn dạy trẻ rằng: Giá trị con bỏ ra cho kiến thức bản thân là phần đầu tư sẽ sinh lãi trên bản thân con.
Những đứa trẻ được tạo cơ hội đưa ra các quyết định tài chính từ sớm, phù hợp với lứa tuổi, và trải qua những tình huống khó xử trong chi tiêu có thể hình thành "thói quen tích cực trong tâm trí" khi nói đến tiền.
Thay vì mua đồ chơi hay bánh cho trẻ, bạn nên khuyến khích trẻ thực hành 4 lọ này thì sẽ giúp trẻ nhận ra giá trị của chi tiêu trong tương lai.