Trẻ cảm thấy tủi thân khi bị cha mẹ đối xử thiên vị với anh/chị/em của mình. Ảnh minh họa internet. |
Nhà có hai con nhưng anh Nguyễn Xuân Đoàn (Q.Hà Đông, Hà Nội) đối xử với các con khác nhau một trời một vực. Cô em gái được bố chiều chuộng bao nhiêu thì cậu anh trai lại bị bố đối xử “hà khắc” bấy nhiêu. Cùng một sự việc, trong khi em được phép làm, nhưng anh bị cấm tuyệt đối.
Bố có thể mua cho con gái đủ thứ con yêu cầu, nhưng lại từ chối những xin xỏ dù nhỏ của cậu con trai. Cùng mắc lỗi, nhưng cô em không bao giờ bị trách mắng, trong khi đó cậu anh bị trừng phạt rất nặng nề.
Chính sự đối xử thiên vị của bố nên cậu anh ghét cô em ra mặt. Trước mặt bố, cậu cố kìm nén tỏ ra hòa bình với em, nhưng chỉ cần bố đi khuất, cậu coi em như “kẻ thù không đội trời chung”. Cậu cấm em động vào đồ chơi của mình, không cho em chơi cùng, thà bênh vực người ngoài chứ không bênh vực em mình. Thậm chí, những lúc bị “ăn đòn” oan, cậu đổ sự tức giận lên cô em bằng những cái đá, cái đấm như bố đã làm với cậu. Cậu nói, chưa bao giờ yêu em và chỉ mong em đừng xuất hiện trước mắt mình.
Theo anh Nguyễn Quang Tiến (chuyên gia sinh trắc vân tay), cách cư xử của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới mối quan hệ giữa các anh chị em ruột trong gia đình nếu như có sự thiên vị một thành viên nào đó. Nếu bố mẹ thiếu công bằng thì các con càng đánh nhau “ác chiến” hơn. Cha mẹ cần ứng xử khéo léo để các con không cảm thấy tủi thân vì các anh/chị/em của mình.
Ngay từ khi đứa con thứ hai sắp ra đời, cha mẹ cần ôm con đầu vào lòng và thủ thỉ: Cho dù mai sau thế nào, cha mẹ cũng yêu con rất rất nhiều. Khi em bé ra đời, hãy bế con lớn lên lòng, và đưa lại gần em. Với sự chia sẻ tình cảm như vậy, người con đầu lòng sẽ nhận thức rằng, đây là một niềm vui mới, hạnh phúc mới trong gia đình chứ không phải là mối cạnh tranh hay nguy hiểm gì đến tình cảm mà cha mẹ đang dành cho con.
Mỗi ngày, dù em bé còn rất nhỏ, bố mẹ cũng nên cho bé tiếp xúc với em, sờ má em. Cha mẹ có thể nhờ anh/chị cầm khăn lau miệng cho em hoặc lắc những con xúc xắc cho em bé vui. Những hành động quan tâm nhỏ như vậy sẽ khiến bé lớn cảm thấy mình cần có trách nhiệm với sinh linh bé bỏng này chứ không phải “thân ai người ấy lo”.
Bị đối xử thiếu công bằng sẽ khiến tình cảm của các con trong nhà thiếu yêu thương, gắn bó. Ảnh minh họa internet. |
Các mẹ đừng quên hỏi han và tâm sự với bé lớn, ôm ấp bé cho dù bé đã có em. Đừng nghĩ là con lớn rồi mà quên đi việc đó. Khi các bé đã lớn, mâu thuẫn xảy ra thì cha mẹ nên chọn vị trí đứng giữa hoặc vô can.
Nếu mâu thuẫn, cha mẹ đề nghị hai bé tách riêng ra và ngồi suy nghĩ. Cách đơn giản là đưa cho mỗi đứa trẻ một tờ giấy to. Các bé tự viết lên giấy sự bực bội mình dành cho bé kia Sau khi viết hết những tật xấu của người kia thì cũng là lúc các bé đã nguôi cơn tức. Sau đó, cha mẹ lại đưa tờ giấy khác và đề nghị các con viết về những điều hay của bé kia. Lúc này, bé sẽ nghĩ lại và thấy anh/chị/em của mình cũng có điểm đáng yêu.
Đến khi hai bé đã viết xong, cha mẹ đề nghị hai bé hủy tờ giấy "nói xấu" kia đi và sau đó đề nghị hai bé trao đổi 2 tờ giấy "nói tốt" để hai bé tự đọc và biết anh/chị/em mình nghĩ về mình thế nào. Sau 1-2 lần xử lý mâu thuẫn như vậy sẽ mang lại những hiệu quả lớn.
Ngoài ra, việc phân chia công bằng với các con là vô cùng quan trọng. Nếu một bé đã làm thì bé kia cũng phải làm việc gì đó tương đương về mức độ nặng nhọc. Thức ăn cũng cần được chia đều. Tuyệt đối tránh việc bắt đứa nọ nhường đứa kia. Sự nhường nhịn như vậy chỉ làm tích tụ ức chế trong lòng đứa trẻ phải nhường, lâu ngày nếu không giải tỏa được sẽ gây ra những tác hại khôn lường.