Nhiều cha mẹ luôn cố gắng bằng nhiều cách để con có lợi thế hơn so với bạn bè. Ảnh minh họa internet. |
Chuyển trường cho con trai lớp 7, anh Đặng Hữu Trung (Hà Đông, Hà Nội) lo lắng bởi nhiều lý do: Không biết ở môi trường mới, con có hòa nhập được với bạn bè; các cô giáo có quan tâm đến con không; liệu con có bị bạn bè tẩy chay?... Nếu những điều anh lo lắng xảy ra, con sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi và sẽ sớm chán nản.
Thế nên, việc đầu tiên anh nghĩ đến khi con chuyển trường là phải tạo cho con lợi thế ngay từ đầu. Tìm hiểu thông tin về cô giáo chủ nhiệm của con, anh đã đến “chào hỏi” cô bằng một túi quà và nhờ cô “để ý” đến con. Anh hy vọng, khi được cô giáo chú ý, nâng đỡ, con anh sẽ tự tin hơn. Tất nhiên, nếu cô quan tâm, điểm số của con sẽ được cải thiện. Không chỉ anh Trung có cách nghĩ này mà hiện nay, khá nhiều phụ huynh cùng chung quan điểm với anh.
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, trẻ em không cần những lợi thế mà cha mẹ cố tình tạo ra cho chúng, các con cần cha mẹ để chúng tự bay. Ảnh minh họa internet. |
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc tạo ưu thế cho con đã khiến môi trường cạnh tranh trong trường học lẽ ra phải lành mạnh thì trở nên vẩn đục, đầy toan tính. Những đứa trẻ có ưu thế như vậy liệu có thể tự mình vượt qua khó khăn vươn tới thành công? Các phụ huynh không nghĩ đến việc, những ưu thế do họ tạo ra sẽ khiến con yếu đuối và kém cỏi đi. Nếu đột ngột mất đi ưu thế, bọn trẻ chắc chắn sẽ cảm thấy hoang mang. Cũng như đàn chim tập bay, nếu được nâng đỡ, đến bao giờ lũ chim non mới có thể tự bay?
Cũng có phụ huynh nói rằng, họ không tạo ưu thế cho con mà chỉ sợ con bị yếu thế so với bạn bè. Theo quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, so với giông tố ngoài đời, yếu thế một chút trong trường học là khó khăn bé xíu mà con có thể dễ dàng vượt qua. Nếu con từng vượt qua dù chỉ một lần, con sẽ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng thử sức với các thử thách lớn hơn. Khi đó, chắc chắn con sẽ ngày càng mạnh mẽ và giỏi giang.
Thực tế ở Việt Nam, thật hiếm để tìm được một đứa trẻ mà bố mẹ không cố gắng tạo lợi thế trong mọi việc. Thế hệ trẻ lớn lên không cảm ơn cha mẹ vì điều đó mà còn đòi hỏi ngày càng nhiều. Khi cha mẹ không thể giúp con được, bọn trẻ đã sinh ra oán hận. Điều đó khiến cha mẹ bất ngờ, thất vọng và đau khổ - họ oán trách bọn trẻ đã không biết ơn những gì họ hi sinh cho chúng.
Từ kinh nghiệm làm việc với nhiều trẻ em, Tiến sĩ Vũ Thu Hương thấy rằng, trẻ em không cần những lợi thế mà cha mẹ cố tình tạo ra cho chúng. Các con cần cha mẹ để chúng tự bay, tin tưởng con, động viên khi chúng nản lòng, khen ngợi khi chúng thành công và luôn là bến bờ bình yên để an ủi khi chúng gặp chuyện buồn phiền.
Nếu đồng loạt các cha mẹ hiểu và ngưng tạo lợi thế cho con, trường học sẽ dần dần trong sạch. Chẳng có giáo viên nào tiêu cực nữa. Giống như tham nhũng sẽ hết khi lòng tham không còn và lũ trẻ sẽ nhanh chóng trưởng thành mạnh mẽ.