pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ xử trí thế nào khi con lần đầu ăn cắp
Ảnh minh họa: shutterstock
Theo TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội), khi trẻ ăn cắp, có thể do một trong những nguyên nhân sau: Cảm thấy cô đơn, thiếu tình thương nên tìm cách tự bù đắp cho bản thân bằng những thứ khác; Tò mò vì thấy tiền quá nhiều quyền lực và sức hấp dẫn; Cảm thấy thèm muốn vật gì đó quá mà mình ko thể xin xỏ ai mua cho được; Tò mò muốn thử cảm giác cầm tiền và tiêu tiền như bố mẹ xem sao.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, với các nguyên nhân trên, theo từng thứ, cha mẹ sẽ có cách xử trí. Tuy nhiên, cần xử trí theo nguyên tắc không làm ầm ĩ, la hét, mắng mỏ, không kết tội con là ăn cắp, đồ tồi, không tuyệt vọng, mệt mỏi làm cho con hoảng sợ và nghĩ bản thân mình là người tồi tệ, hết thuốc chữa.
Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, cha mẹ sẽ có cách xử trí. Nếu con cô đơn, cách xử trí là yêu thương con hơn, luôn quan tâm tới con. Cha mẹ nên xin lỗi con nếu mình làm sai và luôn bao dung với con. Nếu con ăn cắp vì thèm muốn đồ của người khác thì cha mẹ cần phải dạy con bài về quyền riêng tư. Với những thứ con bị cấm mua vì không có lợi cho con, bố mẹ cần giải thích lí do trước khi từ chối.
Dù bất kể lí do gì, cha mẹ cũng cần cho con biết 2 điều: Kĩ năng sử dụng đồng tiền, giá trị đồng tiền và những cách kiếm tiền trong phạm vi khả năng của con; Cho con biết về nỗi đau khổ của người bị mất tiền, mất đồ (cha mẹ có thể tâm sự với con vài câu chuyện về một ai đó bị bệnh nặng mà còn bị mất tiền…). Những điều này sẽ dạy con hiểu hành động đó là rất xấu, rất tồi tệ, tuyệt đối không được làm.
Ăn trộm là việc làm xấu, tuy nhiên trẻ không nhận thức được toàn bộ hành vi của mình là xấu tới mức độ nào. Vì vậy, cha mẹ cần bình tâm "xử lý". Đặc biệt, cha mẹ cố gắng làm gương cho con. Cha mẹ tuyệt đối không hôi của hay làm việc gì tương tự như vậy. Cha mẹ luôn rõ ràng, rành mạch trước việc bảo quản tính riêng tư của người khác nhất là đồ vật.
Theo TS Vũ Thu Hương, việc con ăn cắp một phần cũng do cha mẹ đã có những lỗi sai trong cách dạy con.
Không phân khu vực riêng của mỗi cá nhân trong gia đình: Dù nhà chật hẹp thì ai cũng cần có sự riêng tư, có thể là một góc tủ riêng, một góc học tập, làm việc riêng. Góc đó phải là bất khả xâm phạm bởi người khác. Điều này sẽ khiến trẻ hiểu về đồ đạc cá nhân của từng người và không được phép tùy tiện động vào đồ của người khác.
Nếu cả nhà sống như 1 tổ hợp không có ranh giới, trẻ sẽ nghĩ đồ dùng của ai cũng là của mình. Các con sẽ lấy sử dụng vô tư. Đây là tiền đề của thói ăn cắp vặt của trẻ.
Không phạt con khi con lấy đồ của người trong gia đình để sử dụng: Khi con muốn đòi gì là lấy nấy, không ai có quyền ngăn cản sẽ khiến trẻ không tôn trọng đồ dùng của người khác. Thích thì con sẽ lấy. Như vậy con sẽ hình thành thói quen lấy đồ của người khác khi lớn lên.
Luôn đáp ứng không giới hạn mọi yêu cầu của trẻ: Nếu bất kể đòi hỏi gì của trẻ cũng được đáp ứng thì sau này con sẽ mặc nhiên coi đó là quyền lợi cá nhân mình mà lấy đồ thản nhiên. Cha mẹ cần học cách lắc đầu từ chối các yêu cầu của con từ khi con còn bé xíu.
Không yêu cầu con làm gì cho ai: Với quyền lợi ưu tiên đặc biệt, không có nhiệm vụ gì và không cần giúp đỡ ai, sự ích kỉ của con tăng cao. Khi thấy ai có đồ gì mà mình không có, con sẽ nảy sinh sự thèm khát và ghen tị. Từ đó, con có thể chiếm đoạt các món đồ dù không hề cần thiết.