Châm cứu, xăm mình cũng có thể mắc viêm gan siêu vi C

14/05/2018 - 06:03
Theo đại diện Hội Gan Mật Việt Nam, viêm gan siêu vi C được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, vì không có dấu hiệu rõ ràng nhưng lại rất nguy hiểm...
“Kẻ giết người thầm lặng”
Bệnh lây truyền từ người mắc viêm gan C sang cho người lành theo 3 đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C chủ yếu theo đường máu, như người nhận máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi C; dùng chung kim tiêm nhiễm siêu vi C; nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh phẩm có chứa virus viêm gan C.
headache-acupuncture.jpg
Dùng chung kiêm tiêm, kim châm cứu là một nguồn lây viêm gan C

 

Một số nguyên nhân khác như châm cứu, bấm lỗ tai, xăm mình mà các dụng cụ hành nghề không tuyệt đối vô khuẩn cũng là nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này. Ngoài ra, có khoảng 30%-40% không rõ nguyên nhân lây nhiễm. Hầu hết các trường hợp viêm gan C cấp tính ít có triệu chứng đặc biệt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu và có một số triệu chứng giống cảm cúm.
 
Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, đau tức vùng gan. Nếu viêm gan B tỉ lệ tự khỏi bệnh lên tới 90% thì bệnh viêm gan C có số người bệnh tự khỏi chỉ chiếm khoảng 15%-30%. Số còn lại hoặc sẽ trở thành viêm gan C mạn tính hoặc trở thành người lành mang virus viêm gan C.
 
Ðặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng qua 10-30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi bị viêm gan C mạn tính, có thể bị biến chứng xơ gan (khoảng 10%-20%), nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%).
 
Tại Việt Nam, theo đại diện Hội Gan Mật Việt Nam, viêm gan siêu vi C được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, vì không có dấu hiệu rõ ràng nhưng lại vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.  Ở giai đoạn đầu, viêm gan siêu vi C đa số không có triệu chứng gì cả nên không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của bệnh nhân.
 
Vì vậy, hầu như người bệnh không hề biết mình đã bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi đã chuyển qua giai đoạn có biến chứng xơ gan và ung thư gan thì lúc này sức khỏe bệnh nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Bệnh nguy hiểm nhưng có thể được loại trừ
 
11.jpg

Viêm gan C hiện là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường máu phổ biến trên thế giới 

HCV hiện đang là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường máu phổ biến nhất trên thế giới với hơn 185 triệu người mắc bệnh. Các biến chứng của bệnh HCV gây ra khoảng 500.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó, các quốc gia Đông Á có tỉ lệ lây truyền cao nhất. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể được loại trừ nếu chúng ta có nhận thức đầy đủ về căn bệnh, tiến hành xét nghiệm, và có các cơ sở y tế chữa trị.
 
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết ước tính có 4%-6% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người, mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Số người mắc bệnh viêm gan siêu vi C đang có xu hướng tăng do đến nay chưa có thuốc chủng ngừa.
 
Bệnh viêm gan C là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của các bệnh nhiễm trùng trên thế giới với hậu quả xơ gan và ung thư gan. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành cao của virus, đặc biệt là virus viêm gan B và C. Tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, mỗi tháng có hơn 300 bệnh nhân mới và mỗi năm có khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú điều trị viêm gan C.
 
Hầu hết người bị nhiễm loại virus này không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu, chỉ khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan mới biết.
 
Hiện nay, dù chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng bệnh viêm gan C chữa khỏi được. Đặc biệt, phác đồ mới điều trị viêm gan virus C với sự ra đời của các thuốc kháng virus trực tiếp, liệu trình điều trị của người bệnh giảm từ 48 tuần xuống còn 12-24 tuần, tỉ lệ khỏi bệnh cao, người bệnh chịu ít tác dụng phụ.
 
Thay vì người bệnh phải tiêm dưới da, trong điều kiện bảo quản khắt khe, nhiều tác dụng phụ, hiệu quả điều trị chỉ đạt khoảng 70% thì nay người bệnh sử dụng thuốc dạng viên uống mỗi ngày, hiệu quả điều trị tới hơn 90%. Chi phí điều trị bệnh viêm gan C hiện giảm từ 180 triệu đồng/48 tuần xuống còn khoảng 45 triệu đồng/12 tuần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm