pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương", chăm lo cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số
Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 do Hội LHPN huyện Vân Canh tổ chức
Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh Phạm Thị Thuỷ cho biết: Nhận thức về tầm quan trọng của công tác vun đắp các giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp các ngành nói chung, Hội LHPN huyện Vân Canh nói riêng đặc biệt quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng vào phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số như: Tập huấn kiến thức về bình đẳng giới; Tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, an toàn khi làm mẹ; Xây dựng mô hình các CLB "Gia đình hạnh phúc"; Thực hiện cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"...; Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân Tết thiếu nhi 1/6, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, rằm Trung thu, tặng Mái ấm tình thương, trao sinh kế. Đặc biệt, thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương", Hội phụ nữ 2 cấp đã nhận đỡ đầu 14 trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn và thử thách. Đó là tình trạng bạo lực gia đình có lúc có nơi vẫn còn xảy ra, đã và đang gây ra hậu quả nặng nề không những cho nạn nhân mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội. Cùng với những hậu quả về kinh tế, trật tự an toàn xã hội, bạo lực gia đình gây ra hậu quả nặng nề về mặt xã hội, phá vỡ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, thậm chí trở thành mầm móng cho tội phạm và tệ nạn xã hội.
"Vì vậy, phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp. Quan trọng nhất phải lấy phòng ngừa là chính; cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục - giúp thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam", Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh cho biết.
Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh Phạm Thị Thuỷ, rất cần các Hội cơ sở tập trung và triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ như: tham gia và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung thuộc Dự án 8 về "Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi’; Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai, duy trì, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng gia đình, trong đó việc xây dựng "Địa chỉ tin cậy" cộng đồng là một trong những mô hình quan trọng thuộc Dự án 8...
Bên cạnh đó, cần có các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Đồng thời, tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách tại địa phương các xã thực hiện Dự án 8 để nắm bắt tư tưởng, vấn đề phát sinh từ cơ sở, từ đó có sự can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, theo bà Phạm Thị Thuỷ, cần phối hợp thực hiện các chiến dịch truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết các vấn đề về phụ nữ, trẻ em và gia đình. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; trang bị kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa các hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em cho các thành viên trong gia đình; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Tại Lễ phát động, Ban thường vụ Hội LHPN huyện Vân Canh đã trao tặng 20 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.