pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời đại số
Phụ nữ Công an tỉnh Hưng Yên tích cực tuyên truyền pháp luật cho học sinh các trường học trên địa bàn
Trả giá đắt chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội
Việc "bắt trend", "đu" theo các xu hướng trên mạng xã hội đã không còn mới với các em học sinh. Những mặt trái của môi trường số đã tác động không nhỏ đến nhân cách, nhận thức, ý thức xã hội, văn hóa giao tiếp của trẻ em.
Mới đây đã xảy ra các sự việc rất đau lòng, xuất phát từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội làm rúng động dư luận. Đó là sự việc xảy ra với 3 nữ sinh đều có tuổi đời rất trẻ, chỉ từ 15 -17 tuổi, tại thành phố Hưng Yên. Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân nhỏ trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật. Các em đã giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội bằng bạo lực. Hậu quả là 1 nạn nhân được xác định bị tổn hại sức khỏe với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 14%. Công an thành phố Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp giáo dục tại nơi cư trú đối với 3 nữ sinh về hành vi cố ý gây thương tích cho người dưới 16 tuổi.
Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đều có những vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra, các đối tượng phải trả giá đắt khi ở độ tuổi còn rất trẻ, có đối tượng chỉ mới 14 tuổi. Như vụ việc do cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) thông tin, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 11 đối tượng trong 2 nhóm gây rối trật tự công cộng tại khu vực phường Văn Chương.
Sự việc do xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook giữa Đào Duy Hưng (SN 2007; ở phường Văn Chương, quận Đống Đa) và Phan Vũ Bảo Sơn (SN 2006; ở phường Kim Liên, quận Đống Đa). Nhóm của Hưng đang ngồi uống nước, Bảo Sơn và bạn tiến tới gây sự. Các đối tượng đã dùng bạo lực để xử lý vấn đề, đuổi đánh nhau trên đường, gây mất an ninh trật tự. Vụ việc khiến 4 đối tượng bị thương tích.
Làm sao để có thể chăm sóc, bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường số? Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại uý Nguyễn Thị Thuỷ - Trưởng Ban Phụ nữ Công an tỉnh Hưng Yên về quản lý, giám sát trẻ em trên môi trường số.
Bà đánh giá như thế nào về thách thức trong việc quản lý, giám sát trẻ em trên môi trường số hiện nay?
Thời đại công nghệ số mở ra nhiều cơ hội trong học tập, giải trí và giao lưu văn hóa, nhưng đồng thời cũng mang đến những thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với trẻ em. Các em thường rất ham tìm tòi, khám phá, nhưng nhận thức còn hạn chế nên chưa đủ khả năng nhận diện và phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường mạng. Trong khi đó, việc quản lý, giám sát trẻ em trên môi trường số đang trở nên khó khăn hơn đối với phụ huynh, nhà trường và cả xã hội. Vì vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực từ mọi phía: gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Với vai trò là Trưởng Ban Phụ nữ Công an tỉnh, bà và các đồng nghiệp đã triển khai những giải pháp nào để hỗ trợ công tác này?
Chúng tôi đã tham mưu cho Công an tỉnh triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng, thông qua những hình thức gần gũi, dễ tiếp cận như: tuyên truyền miệng, sân khấu hóa tình huống, trình chiếu video và hình ảnh tại các trường học, khu dân cư.
Chúng tôi cũng tăng cường các hoạt động trên nền tảng số, đồng thời xây dựng những sân chơi bổ ích và môi trường an toàn cho trẻ. Ví dụ, chúng tôi đã trao tặng các công trình sách tại thư viện trường học và khu dân cư, cũng như triển khai công trình "Ghế đá thân thiện – sân trường an toàn" tại các trường học để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện.
Ngoài việc hướng đến trẻ em, công tác tuyên truyền còn tập trung vào phụ huynh, cán bộ, giáo viên – những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ, nhằm nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường số.
Bà có thể chia sẻ thêm về những giải pháp cụ thể dành cho gia đình trong việc quản lý, giám sát trẻ em trên môi trường số?
Đối với trẻ dưới 7 tuổi, cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện, hướng dẫn trẻ nhận biết các nguy hiểm từ video trên Facebook, Tiktok, Youtube, và khuyến khích trẻ chia sẻ với người lớn khi gặp điều kỳ lạ trên mạng.
Với trẻ trên 14 tuổi, phụ huynh nên định hướng trẻ lựa chọn các kênh giải trí lành mạnh, an toàn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên áp dụng các biện pháp cấm đoán như tịch thu điện thoại hay máy tính bảng, vì điều này có thể gây phản tác dụng. Thay vào đó, hãy kiểm soát danh mục video hoặc sử dụng các công cụ khóa các nội dung không phù hợp trên thiết bị thông minh.
Đặc biệt, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và cộng đồng để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về nhân cách lẫn kỹ năng.
Theo bà, nhà trường và xã hội nên đóng vai trò gì trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?
Nhà trường và xã hội có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy, thầy cô và phụ huynh cần làm gương, đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, và các sân chơi bổ ích trong giờ ra chơi, ngoại khóa, hay kỳ nghỉ hè.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường và cộng đồng để lan tỏa kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Các chương trình tư vấn học đường cũng rất cần thiết, giúp trẻ em được hỗ trợ kịp thời khi gặp khó khăn trên môi trường mạng.
Bà có khuyến nghị gì để công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường số đạt hiệu quả cao hơn?
Để khắc phục những khó khăn hiện nay, tôi cho rằng cần sự quyết tâm và phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ trên mạng tại từng tổ dân phố, khu dân cư.
Chúng tôi cũng khuyến khích phụ huynh và người chăm sóc trẻ em thường xuyên đồng hành cùng các em trên môi trường số, không chỉ để bảo vệ mà còn để hỗ trợ các em tương tác sáng tạo, lành mạnh. Những chương trình giáo dục cộng đồng, kết hợp với các tài liệu hướng dẫn như "Cẩm nang bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" là những công cụ hữu ích mà các tổ chức xã hội, trong đó có Hội Phụ nữ Công an tỉnh, sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ ý nghĩa và thiết thực!
VỤ GIA ĐÌNH, BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH PHỐI HỢP THỰC HIỆN