pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chấm thi tốt nghiệp THPT 2025: Phải ghi nhận được sự sáng tạo của thí sinh

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT
Tập trung cao độ cho công tác chấm thi
Đến thời điểm này, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đang gấp rút thực hiện công tác chấm thi tốt nghiệp THPT, dự kiến muộn nhất ngày 10/7 sẽ chấm xong và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT. Theo kế hoạch, đúng 8 giờ ngày 16/7, các hội đồng thi trên cả nước sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.
Ninh Bình là một trong những tỉnh hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Hà Lan Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tỉnh, cho biết, thời gian qua, dù trong quá trình chuyển giao, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với khối lượng công việc rất lớn nhưng tỉnh xác định, công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là giai đoạn chấm thi, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Do vậy, ngay khi công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Hội đồng thi và các Ban thuộc Hội đồng thi, tiếp tục triển khai nhiệm vụ và làm việc tại các địa điểm đang triển khai công việc.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Tiến Dũng, Sở đã chủ động rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, các điều kiện về an ninh, an toàn phục vụ công tác làm phách bài thi, chấm thi, khu vực làm việc của Ban Thư ký đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và đúng yêu cầu theo quy định của quy chế thi.
Tại Bắc Ninh, từ ngày 1/7/2025, Sở GD&ĐT tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Hội đồng chấm thi tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở tận dụng nguồn lực từ Ban Chỉ đạo thi của 2 tỉnh Bắc Giang (cũ) và Bắc Ninh (cũ).
Theo đó, 2 ban chấm thi vẫn tiếp tục được tổ chức tại 2 địa điểm như trước. Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành rà soát kỹ cơ sở vật chất tại cả 2 ban chấm thi, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định, đặc biệt chú trọng tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong toàn bộ quá trình chấm thi.
Các phòng chấm thi tự luận, phòng chấm trắc nghiệm, phòng bảo quản bài thi và phòng làm việc của ban thư ký đều có camera an ninh, giám sát và ghi lại toàn bộ hoạt động để phục vụ cho công tác quản lý.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh này dự kiến hoàn thành công tác chấm bài thi tự luận vào ngày 7/7, bài thi trắc nghiệm vào ngày 10/7 và công bố điểm chung của cả tỉnh Bắc Ninh (mới) theo đúng kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp tại Ninh Bình
Tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, cho biết địa phương có lượng bài thi rất lớn nên số bài thi trắc nghiệm cũng rất nhiều, khoảng 450.000 bài. Việc chấm và xử lý trên 2 phần mềm khác nhau nên phải tăng cường máy chấm và cán bộ chấm thi mới hoàn thành đúng lịch.
Cần đảm bảo tính công bằng và quyền lợi của thí sinh
Với những điểm đặc biệt trong công tác chấm thi năm nay, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), nhấn mạnh phải đảm bảo sự chính xác trong quy trình chấm bài thi của 2 chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và năm 2006.
Hội đồng chấm thi cấp tỉnh cũng cần chủ động phối hợp, trao đổi kịp thời với Bộ GD-ĐT để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý với cán bộ làm công tác chấm thi tại tất cả các Hội đồng chấm thi, đặc biệt là môn tự luận như Ngữ văn khi đề thi theo hướng mở.
"Hướng dẫn chấm cũng theo hướng mở để đánh giá đúng năng lực của học sinh. Bộ đã gửi hướng dẫn cho các Hội đồng chấm thi để nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung, thống nhất đáp án và hướng dẫn chấm. Trong đó, có tỉ lệ chấm chung để đảm bảo độ đều tay. Sau khi hoàn thiện, phải có tỉ lệ chấm kiểm tra ít nhất 5%".
Ông Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý nếu quá trình chấm có vấn đề gì bất thường thì cần xem xét để đảm bảo tính công bằng và quyền lợi cho thí sinh. Đặc biệt, phải ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo, chủ động, suy nghĩ riêng của thí sinh, đương nhiên phải đảm bảo theo chuẩn đầu ra, theo tiêu chí của quá trình giáo dục, cũng như theo hướng dẫn chấm.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Ban Chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố mới sáp nhập cần tiếp tục duy trì sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất giữa các Ban chấm thi; phân công rõ ràng đầu mối, chế độ thông tin báo cáo minh bạch, đồng bộ, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất về tiến độ và nội dung chấm thi.
Theo đó, Ban chấm thi cần kiểm soát tiến độ một cách chặt chẽ nhưng tuyệt đối không được ép tiến độ, không làm qua loa, đại khái, gây ra sai sót. Cần bám sát kế hoạch đề ra, phát huy tối đa vai trò điều tiết của tổ trưởng từng tổ chấm, tránh tình trạng làm quá nhanh dẫn đến thiếu cẩn trọng.
"Nguyên tắc, mục tiêu chung là phản ánh đúng năng lực của các em, hướng tới kết quả thật của thí sinh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thí sinh trong tổ chức Kỳ thi và đảm bảo công bằng trên toàn quốc. Công tác chấm thi phải được thông tin nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả", Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT yêu cầu.