pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chấn hưng văn hóa, đẩy mạnh "văn hóa số" tạo sự đột phá
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ngày 18/8, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã có buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa , con người Việt Nam.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trong suốt quá trình cách mạng, lĩnh vực văn hoá luôn được Đảng hết sức quan tâm.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, văn hoá lại càng được chú trọng hàng đầu. Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, có nhiều hội thảo từ các bộ, ngành đến cấp quốc gia đề ra được những hệ giá trị về văn hóa...
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trọng tâm là vấn đề văn hoá con người theo tinh thần Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương. Từ đó, có đánh giá về những thành tựu, thành công; những mặt khái quát trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, chỉ ra khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ và tạo sự đột phá trong giai đoạn tới.
"Chính phủ đang có chương trình khát vọng mà đảng viên, nhân dân rất đồng tình đó là về chiến lược chấn hưng văn hóa nước nhà, đi vào cuộc sống người dân", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam.
Bước vào nhiệm kỳ mới 2021-2025, Ban Cán sự đảng Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã đề ra phương châm hành động là "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" nhằm tạo ra sức bật mới, một quyết tâm chính trị cao để toàn ngành tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Người đứng đầu Bộ VHTT&DL nhấn mạnh nửa nhiệm kỳ làm việc đã có nhiều điểm sáng đạt được như: Lĩnh vực văn hoá nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa với sự phát triển bền vững; Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chú trọng, thực hiện chủ động, bài bản và có chuyển biến tích cực; Công tác xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người đi đúng hướng; Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông…
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ VHTT&DL thẳng thắn nhìn nhận, công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa - lịch sử.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt của Bộ VHTT&DL, nhiều ý kiến được các đại biểu đưa ra nhằm tạo ra sự đột phá mới của ngành văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, trong báo cáo của Bộ VHTT&DL thời gian tới nên có đánh giá về việc chấn hưng phát triển văn hóa, cũng như đấu tranh chống biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong đời sống văn hóa xã hội trên không gian mạng.
Cũng theo ông Lâm, công tác quản lý của các bộ ngành trong thế giới thực như thế nào thì trên không gian mạng cũng quản lý như vậy. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ VHTT&DL nên chú trọng triển khai “văn hóa số”.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đề nghị xem xét lại việc sáp nhập các đơn vị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những kết quả đạt được của ngành VHTT&DL trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Định hướng công tác trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ VHTT&DL tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về phát triển văn hóa; tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức của đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, làm hạt nhân lan tỏa trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.
Yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ VHTT&DL phát huy kết quả đạt được, đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức tiếp cận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.
Ngành VHTT&DL đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý về văn hóa từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa gắn với xã hội hóa dịch vụ công theo lộ trình hợp lý.
Trong thời gian tới, Ban Cán sự đảng Bộ VHTT&DL chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức con người thấm sâu vào đời sống, trở thành “nền tảng”, “ngọn hải đăng” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn mới.
Ban Cán sự đảng Bộ VHTT&DL cần huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp trí tuệ rộng rãi của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng đầu tư, từng bước xây dựng một số doanh nghiệp lớn, thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng ngành VHTT&DL sẽ tiếp tục phát huy cao nhất những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.