Thụy vốn học về chuyên ngành tạo dáng sản phẩm tại ĐH Tôn Đức Thắng,TP HCM. Tuy nhiên, kiến thức về tranh 3D, vốn có xuất xứ từ Nhật Bản, lại do Thụy tự tìm tòi, học hỏi qua các tài liệu, clip bằng tiếng Anh trên Internet. “Thời điểm đó, khái niệm tranh 3D vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam và gần như chưa có nơi nào mở lớp dạy vẽ 3D. Vì thế, mình không có cách nào khác là phải tự mày mò, làm tới làm lui cho tới khi thành công mới thôi”, Thụy chia sẻ.
Theo Thụy, vẽ tranh 3D không quá khó, nghĩa là ai cũng có thể học được, kể cả người đó chưa từng biết vẽ. Tuy nhiên, từ “có thể học được” tới “vẽ thành công” lại đòi hỏi sự đam mê, tính kiên nhẫn, ý thức tự học.
Chủ đề cho tranh 3D đa phần là cá và các động vật thủy sinh... Đầu tiên, người vẽ tranh phải phác thảo bằng nét theo trình tự như kiểu giải phẫu “cắt lớp” đối tượng cần vẽ. Chẳng hạn, khi vẽ cá, người vẽ phải vẽ từng lớp từ dưới lên như vòng ngực, vòng bụng, thân cá, sau đó vẽ tới mắt, vảy cá, vây cá...
Để vẽ tranh 3D, người vẽ cần chổi vẽ, màu vẽ chuyên dụng, keo resin (thành phần nhựa có hiệu ứng trong suốt). Những nguyên liệu này đều có thể dễ dàng mua được tại các cửa hàng. Tuy nhiên, Thụy đã không lệ thuộc vào các sản phẩm bán sẵn đó mà tự mày mò, tìm cách chế tạo nguyên liệu vẽ cho riêng mình.
Thụy cho biết, trên thế giới, nhiều nghệ sĩ vẫn sử dụng màu vẽ acrylic để vẽ tranh 3D. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Thụy thấy rằng màu vẽ acrylic vẽ tranh thường khô nhanh, lại hay bị bay màu. Vì thế, Thụy đã dùng màu poly (vốn được sử dụng trong ngành nhựa công nghiệp) nhưng với công thức chế màu của riêng mình. Màu poly có thể để 3 năm không khô nên người vẽ tranh 3D dễ dàng tẩy xóa nếu nét vẽ chưa ưng ý.
Thêm vào đó, màu cũng giữ được độ tươi mới, không bị bay màu như màu acrylic, không bị kết tủa, không biến đổi màu giúp cho bức tranh 3D luôn giữ được chất lượng. Với loại nhựa resin, tùy từng giá tiền mà có chất lượng khác nhau. Thụy lại tự tìm ra phương pháp chế biến resin riêng, với giá thành rẻ hơn mà chất lượng lại tốt hơn nhiều loại resin đang bán trên thị trường.
Cái khó trong vẽ tranh 3D không nằm ở việc phác thảo đối tượng mà ở việc xử lý keo resin. Chính Thụy cũng đã từng phải bỏ đi 200-300 sản phẩm tranh 3D mới tìm ra bí quyết để xử lý resin sao cho keo khô nhanh nhất, không bị nổi bọt, tách lớp... làm bề mặt tranh bị mờ đục hay không bám vào bề mặt sản phẩm.
Theo Thụy, những chất liệu nhám như gỗ, mây, tre sẽ có độ ăn bám resin tốt hơn là với bề mặt như gốm, sứ, hộp sơn bóng. Ngoài ra, tiết trời miền Bắc nóng lạnh thất thường cũng khiến keo giãn nở tạo khoảng cho không khí lọt vào ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Từ những trải nghiệm đó mà Thụy đã tự điều chỉnh phương pháp vẽ để cho ra đời những bức tranh 3D đẹp mắt với chất lượng tốt nhất.
Với một sản phẩm nhỏ, Thụy hoàn thành trong vòng 1 ngày trong khi nhiều bạn khác phải vé từ 5-7 ngày vì phải đợi resin khô; Với những sản phẩm kích thước lớn, chủ đề vẽ phức tạp, Thụy cần 10-14 ngày, rút ngắn khoảng 30 ngày so với nhiều thợ vẽ khác.
Thụy còn tự mở rộng chủ đề của tranh như vẽ tranh phong cảnh dưới đáy đại dương, chân dung. Ngoài những bức tranh có tính trang trí, Thụy cũng đang tăng tính ứng dụng tranh 3D như đưa tranh 3D vào bàn ghế, vách ngăn, bồn lavabo... Rất nhiều khách hàng thích thú khi nhìn chiếc bàn tiếp khách có đặt tranh 3D ở giữa, như thể đang ngồi bên một bể cá cảnh.
Giá bán các sản phẩm cũng dao động từ 300.000 đồng tới vài chục triệu đồng. Có những bức tranh Thụy tâm đắc như bức Thụy đã vẽ tới hơn 100 đối tượng trong tranh, hay là vẽ 99 con cá vàng bơi theo hình lượn sóng chỉ trong 3 tuần (trong khi có người chia sẻ họ vẽ bức tương tự trong 9 tháng).
Hiện nay, Thụy vẫn đang có công việc chính để mưu sinh và vẽ tranh 3D chỉ là thú vui tay ngang của Thụy. Ngoài vẽ tranh, Thụy còn mở nhiều lớp vẽ tranh 3D ở nhiều tỉnh, thành để qua đó, đưa nghệ thuật này đến nhiều hơn với cộng đồng. Thụy không lo sẽ bị mất bí quyết, bởi với Thụy, nghệ thuật muốn phát triển thì phải được phổ biến. Học viên theo học các lớp vẽ tranh 3D của Thụy từ 14 tuổi trở lên.
Trung bình khóa học kéo dài 36-40 tiếng chia thành nhiều buổi học, với học viên đã có kinh nghiệm vẽ thì có thể chỉ cần học trong 2 buổi liên tục từ sáng tới chiều. Thụy cho biết, qua 9 khóa đào tạo, đến nay, gần như các bạn đều vẽ thành công, số bạn bỏ cuộc gần như không có.
Mỗi ngày, Thụy vẫn dành trung bình 6 tiếng cho tranh 3D. Với tình yêu đặc biệt cho dòng tranh này, chắc chắn, Thụy còn đi xa hơn trên con đường nghệ thuật.