Chàng trai 'thoát' tự kỷ nhờ âm nhạc

08/12/2016 - 15:11
Nghe Ngô Duy Nguyên (Hà Nội) tự tin nói chuyện, say mê thể hiện những vũ điệu sôi nổi và đam mê chơi đàn piano, thật khó tưởng tượng được trước đây cậu là đứa trẻ tự kỷ.
duy-nguyen-2.jpg
Duy Nguyên tự tin, say mê biểu diễn vũ điệu.

Duy Nguyên cho biết, cậu có niềm đam mê với âm nhạc. Như với âm nhạc, cậu chỉ học trên internet nhưng giờ rất tự tin biểu diễn. Hiện tại Nguyên đã trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Cậu nói, chính âm nhạc đã thay đổi cuộc đời cậu.

Cùng xem Duy Nguyên say mê biểu diễn vũ điệu:

Không giấu việc mình từng là cậu bé tự kỷ trước đây, Nguyên chia sẻ: “Em nhớ nhất quãng thời gian học lớp 1, những triệu chứng tự kỷ của em rõ nhất. Em thường xuyên “múa may” ngoài đường, lục tủ lạnh nhà mình cũng như nhà hàng xóm. Em hầu như không kiểm soát được hành vi. Cũng may, mẹ dành nhiều thời gian cho em. Mẹ thường xuyên đưa em đi du lịch, chiều chuộng những sở thích của em. Em nhớ, đợt đi du lịch Huế, em cầm chiếc kiếm đồ chơi vung vẩy, chém lung tung ngoài đường. Cả tuổi thơ của em khiến mẹ rất khổ sở, vất vả. Thế nhưng, mẹ vẫn luôn kiên nhẫn với em”.

duy-nguyen-3.jpg
Duy Nguyên hạnh phúc vì có thể chia sẻ niềm đam mê của mình để giúp trẻ tự kỷ.

Lớn hơn, nghĩ đến tương lai không mấy sáng sủa của mình, Duy Nguyên đã khóc rất nhiều, có lúc còn muốn tự tử. Hiện tại, cậu rất chững chạc, trưởng thành: "Muốn con thay đổi, tiến bộ, phụ huynh cũng phải thay đổi. Trước tiên, các phụ huynh hãy thay đổi cái nhìn về trẻ tự kỷ, đừng chỉ nhìn thấy tiêu cực mà hãy nhìn vào những mặt tốt của con để vun đắp, giúp con phát triển. Phụ huynh cũng nên thường xuyên đưa con ra ngoài chơi, cho con nghe nhạc, để con vận động… Nếu nhốt con ở nhà thì trẻ tự kỷ sẽ khó tiến bộ và hòa nhập được".

Giờ đây, Duy Nguyên rất hạnh phúc khi có thể dùng âm nhạc để chia sẻ và dạy trẻ tự kỷ, giúp trẻ tự kỷ hòa nhập.

ch-nguyt-thu.jpg
Nghệ sĩ Nguyệt Thu (áo hồng) cùng nhóm trẻ tham gia Gala dành cho trẻ tài năng mang chứng tự kỷ tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Mới đây, nghệ sĩ Nguyệt Thu cùng Duy Nguyên và nhóm trẻ tham gia Gala dành cho trẻ tài năng mang chứng tự kỷ tại Hồng Kông (Trung Quốc). Chị Nguyệt Thu, người thành lập trung tâm SFORA (Sunrise for Arts) - trường đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc và nghệ thuật để trị liệu chứng tự kỷ ở trẻ em, cho biết: Trẻ tự kỷ có những mặt tốt, có năng khiếu và mình cần khuyến khích, đào tạo để giúp trẻ phát huy năng khiếu đó.

Không nên nghĩ trẻ tự kỷ chỉ có những mặt tiêu cực như: Nghịch ngợm, phá phách… Các cha mẹ cần hiểu con, nuôi dưỡng khả năng, năng khiếu, đam mê của con, đồng hành cùng con trong quá trình phát triển và cho con cơ hội cống hiến, chia sẻ những điều kỳ diệu mà các con có thể làm”. Theo chị Nguyệt Thu, âm nhạc là cầu nối giữa trái tim và tâm hồn của bất cứ ai, đặc biệt là phương pháp hữu hiệu, rất tốt dành cho trẻ tự kỷ. 

Để giúp trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội hòa nhập, chị Nguyệt Thu đã mở Trung tâm hướng nghiệp "Beautiful Life" tại 107 Giảng Võ, Hà Nội. Ở đây, trẻ tự kỷ được học tập, làm việc với các trẻ bình thường như làm bồi bàn hoặc pha chế những đồ uống đơn giản để phục vụ khách hàng. Trẻ cũng được học vẽ, lớp võ, dưỡng sinh, thiếu lâm, piano, và các kỹ năng giao tiếp khác. Các phụ huynh có thể đến gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm nuôi và chăm sóc con tự kỷ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm