Chàng trai Việt dạy hip hop cho trẻ nghèo khắp Đông Nam Á

25/01/2018 - 09:37
Không chỉ tìm mọi cách để được sống hết mình với đam mê, Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1989 tại Hà Nội) còn đưa môn nhảy hip hop đến với trẻ em nghèo ở khắp Đông Nam Á.
Học đến năm thứ 2 đại học, Tuấn bắt đầu học nhảy hip hop - Ảnh: NVCC

Bỏ học đi… nhảy

Nguyễn Anh Tuấn từng là sinh viên ĐH FPT. Đến năm thứ 2, Tuấn bắt đầu học nhảy hip hop và cùng một người bạn thân thành lập CLB nhảy ở trường ĐH. Sau 1 năm, Tuấn thấy mình quá yêu thích và muốn gắn bó với hip hop nên đã xin bảo lưu kết quả tại ĐH FPT để nộp hồ sơ vào một trường nghệ thuật tại Mỹ. Song, cả Tuấn và bạn đều bị trượt trong vòng phỏng vấn xin visa.

Bạn Tuấn đã nhập học trường múa còn Tuấn quyết định tự học hiphop. Do đây là một môn nghệ thuật đường phố, không có trường lớp dạy chính quy như những bộ môn khác nên Tuấn chủ yếu tự tập, tự học bước nhảy từ những anh em, bạn bè có kinh nghiệm trong giới.

Sau đó, Tuấn đăng ký tham gia các workshop của những dancer nước ngoài và tích góp dần để hình thành kiến thức, kỹ năng của riêng mình. Trong quá trình tự “tìm đường” ấy không tránh khỏi lúc khó khăn, nếu không kiên trì và có đam mê cao độ với hiphop, có lẽ, Tuấn đã bỏ cuộc.

Ngày đó, nghe tin con trai bỏ học giữa chừng, không tiền, không tương lai, gia đình Tuấn phản đối kịch liệt. Sự lo lắng ấy thật dễ hiểu vì cả gia đình Tuấn đều làm nhà nước, không có ai theo đuổi nghệ thuật.

Thậm chí, Tết đến, Tuấn thường “bỏ ra ngoài đường” để tránh bị họ hàng đến thăm và hỏi chuyện. Mãi 3 năm sau, khi Tuấn đã bắt đầu khẳng định được tài năng trong lĩnh vực nhảy hiphop và có thể đi dạy, tự kiếm được những khoản tiền đầu tiên thì bố mẹ Tuấn mới bớt lo lắng.

Dự án “Street arts for street kids”, dạy hip hop và xiếc cho trẻ em nghèo khắp Đông Nam Á - Ảnh: NVCC
 

Tâm nguyện nhân văn

Năm 2012, khi đang dạy nhảy hiphop cho các em nhỏ ở công viên Lê-nin, Hà Nội, Tuấn tình cờ được một nghệ sĩ đường phố tên là Jenny mời tham gia dự án từ thiện của ông. Dự án mang tên “Street arts for street kids”, dạy hip hop và xiếc cho trẻ em nghèo khắp Đông Nam Á.

Tuấn tham gia dự án được 3 năm thì Jenny mất. Vì muốn tiếp tục thực hiện tâm nguyện nhân văn của Jenny, Tuấn đã tham gia vào nhóm xiếc Spark Circus- nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ đường phố trên thế giới để cùng nhau đi khắp các tỉnh vùng biên trình diễn nghệ thuật phục vụ các em nhỏ. 

Điều rất cảm động, kinh phí hoạt động của Spark Circus đều do Tuấn và các nghệ sĩ tự đóng góp. Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, “nhóm xiếc” sẽ tổ chức chương trình gây quỹ và sau đó dùng số tiền thu được để thực hiện các chuyến đi từ thiện. Đầu tháng 2/2018, Tuấn cũng sẽ lên đường sang Thái Lan để dạy nhảy cho trẻ em tị nạn ở đây.

Tuấn tâm sự: Cuộc sống của người dân ở các vùng biên giới, khu tị nạn còn nhiều khó khăn. Vì thế, trẻ em rất ít có cơ hội được xem biểu diễn nghệ thuật. Như lần Tuấn và các nghệ sĩ đến tỉnh MaeSot, vùng biên giới Burma giữa Myanmar - Thái Lan, các em đã hò reo, ùa ra đón đoàn, rồi chăm chú dõi theo từng tiết mục.

Sau khi biểu diễn, cả nhóm còn chia nhau dạy các bé một số kỹ năng cơ bản như nhảy hiphop, nhào lộn, hề xiếc…

“Mỗi người có cách làm riêng để đóng góp cho cộng đồng. Có người dạy tiếng Anh, các môn văn hóa… còn tôi thì dạy hip hop, giúp các em giải phóng cơ thể và cười sảng khoái, quên đi vất vả thường nhật” - Ảnh: NVCC


Vì cuộc sống tốt đẹp hơn

Hiện, thu nhập của Tuấn đều trông vào việc đi dạy và diễn. “Thu nhập trước mắt chỉ đủ cho bản thân chứ chưa dư dả nhưng mình vẫn rất vui”- Tuấn tâm sự. Bởi sau mỗi chuyến lưu diễn, Tuấn đều nhận được rất nhiều năng lượng và sự trưởng thành.

Tuấn có cơ hội kết bạn với rất nhiều nghệ sĩ đến từ Mỹ, Nhật, Úc, Đức, Canada, Anh… Mỗi người lại đại diện cho một câu chuyện sống hết mình với đam mê, tinh thần vượt khó, lạc quan và cả tấm lòng thiện dùng nghệ thuật vị cộng đồng. Tuấn càng tin rằng, một dancer có sứ mệnh truyền cảm hứng cho người khác và làm cuộc sống này thêm tốt đẹp, lòng tốt càng được chia sẻ thì mình càng hạnh phúc.

“Mỗi người có cách làm riêng để đóng góp cho cộng đồng. Có người dạy tiếng Anh, các môn văn hóa… còn tôi thì dạy hip hop, giúp các em giải phóng cơ thể và cười sảng khoái, quên đi vất vả thường nhật”.

Thực tế, có những trẻ, bề ngoài nhìn “thô ráp”, “cháy nắng” nhưng lại có khiếu cảm thụ âm nhạc rất tốt. Chỉ sau ít buổi, các bé đã có thể nhảy hiphop căn bản. Tuấn tin rằng, những em nhỏ này nếu được đào tạo bài bản, hoàn toàn có thể trở thành dancer tài ba trong tương lai.

Trở về Việt Nam sau những chuyến đi, dự định tiếp theo của Tuấn là sẽ truyền cảm hứng nhảy múa cho nhiều người khác nữa và từ đó sẽ có thêm nhiều lòng tốt được chia sẻ.

* Nguyễn Anh Tuấn: “Hip hop sẽ đem lại tiếng cười và nhiều bài học bổ ích cho các em trong suốt cuộc đời”.

* Hiện nay, Tuấn và một vài người bạn cùng chung ý tưởng đã thành lập một học viện nhảy mang tên “Hà Nội Dance Academy”, với mong muốn được dạy nhảy cho thật nhiều trẻ em và cao hơn là mọi người sẽ cùng trân trọng những “chuyển động” này. “Nhảy múa thực sự đáng quý, giúp bản thân trưởng thành và làm cho cuộc sống đẹp hơn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm