pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chàng trai vùng biển khiến vảy cá "nở hoa"
Anh Lê Ngọc Biết (bìa phải)
Ý tưởng bất ngờ của chàng trai vùng biển
Tại cửa hàng của Biết, những đóa hoa hồng, hoa tulip, hoa cúc đồng tiền, hoa cẩm tú cầu, hoa lan… với đủ sắc màu được đặt sát nhau, khiến khách hàng có cảm giác như bước vào một vườn hoa rực rỡ. Tất cả hoa tại đây đều làm từ vảy cá.
Năm 2017, trong một lần ngồi làm cá, Ngọc Biết nhìn những chiếc vảy rơi ra óng ánh như xà cừ, anh chợt lóe lên suy nghĩ: "Nếu đem vảy cá ốp vào tranh thì chắc đẹp lắm". Chàng trai gốc Phú Yên quyết định đem ý tưởng này đến cuộc thi "Tôi khởi nghiệp" do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức. Mọi người nghe Biết trình bày dự án liền bày tỏ băn khoăn: "Vảy cá vốn rất tanh hôi, làm sao có thể khử được mùi?".
Sau cuộc thi, Biết vẫn không từ bỏ dự án, anh ấp ủ ý định nghiên cứu để phát triển. Anh chia sẻ: "Những ngày đầu, tôi len lỏi vào các chợ để xin vảy cá về. Vì không được tách ra riêng, vảy thường lẫn với ruột cá, máu cá, mang cá, phân cá… nên phân loại rất cực. Tôi là dân biển nên quen mùi, những bạn chưa quen ngồi lọc vảy một lúc phải chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi tìm ra cách dùng enzym được chiết xuất từ trái thơm nữ hoàng, một chất hữu cơ an toàn, để khử mùi tanh của vảy cá".
Trong lần tình cờ, Biết quan sát những chiếc vảy cá khô lại cong như cánh hoa, anh xếp chúng lại và tạo hình hoa hồng. Chàng trai 30 tuổi kết hợp hoa vảy cá cùng vỏ ốc, tảo, râu vỏ tôm hùm… lồng chúng vào khung kính đẹp mắt, bán với giá 100.000 đồng đến vài triệu đồng.
Đơn hàng nhiều hơn, Biết đi làm quen với các vựa cá lớn, nhờ họ để lại vảy cho mình thu mua. Một sản phẩm hoa hoặc tranh có thể được kết hợp từ nhiều loại vảy cá khác nhau như cá hô, cá mối, cá chép, cá chuồn… Biết nói: "Tôi nghiên cứu nhiều đến nỗi giờ đây chỉ cần nhìn đường vân là tôi có thể biết đây là loại cá gì. Mỗi loại có đặc tính khác nhau, cá mai vảy nhỏ nhất chỉ khoảng 3mm, cá mối thì vảy bằng móng tay người. Vì được làm thủ công nên mỗi sản phẩm là độc nhất, khách hàng họ rất thích".
Dự án vì người khuyết tật
Biết kể, những ngày đầu đặt bút phác thảo dự án từ vảy cá, anh đã nghĩ đến việc tạo việc làm cho người không may mắn. Khi nguồn khách hàng bắt đầu ổn định, Biết đến trung tâm lao động khuyết tật, bày tỏ mong muốn được giúp đỡ họ có việc làm. Anh lặn lội đi Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… đến nhà từng người để hướng dẫn cách làm hoa từ vảy cá.
Biết tâm sự: "Chính tôi cũng rất cảm phục tinh thần làm việc của các bạn. Họ không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội nên nhận việc là làm rất tỉ mỉ, cẩn thận. Có bạn bị súng bắn keo làm phồng rộp da, bị vảy cá cứa chảy máu nhưng vẫn dán băng keo rồi làm tiếp. Nhiều khi hướng dẫn các bạn xong, về nhà nhớ đến những hình ảnh đó tôi lại chảy nước mắt".
Trong số những nhân viên làm việc, Biết nhớ nhất là chàng trai 25 tuổi, vốn lành lặn nhưng gặp tai nạn điện giật lúc gắn biển quảng cáo nên đã phải tháo khớp. Ngày gặp Biết, anh vẫn cố gắng dùng cùi chỏ gắp vảy cá dán lên tranh. Bên cạnh đó, có những bạn khiếm thính chẳng thể nghe Biết nói gì. Anh bèn đặt một nhành hoa hồng thật lên bàn, tuần tự xếp vảy cá theo mẫu để các bạn quan sát.
"Khi gặp những hoàn cảnh như thế, tôi cảm thấy khâm phục ý chí của họ. Người bình thường chỉ mất khoảng vài chục phút hướng dẫn, nhưng các bạn có thể mất đến vài tiếng. Tuy nhiên, tôi không xem đó là trở ngại, bởi từ khi lập ra dự án, tôi đã muốn hướng đến các bạn kém may mắn. Khi đã biết cách làm, các bạn làm rất đẹp, sống động như hoa thật, từng cánh e ấp nép vào nhau", chàng trai tự hào nói.
Hiện tại, Biết có khoảng 80 nhân viên là người khuyết tật đang thực hiện công việc làm tranh, hoa từ vảy cá. Mỗi sản phẩm ra đời có thể mất một tháng đến vài tháng, tùy vào độ kỳ công. Sắp tới, Biết mong muốn có thể phát triển sản phẩm từ nang mực, xương cá... vì mục tiêu bảo vệ môi trường.