“Chắp cánh” ước mơ khởi nghiệp cho hàng nghìn lượt phụ nữ

Bài, ảnh: Phạm Thương
10/04/2021 - 18:46
“Chắp cánh” ước mơ khởi nghiệp  cho hàng nghìn lượt phụ nữ

Chị Trần Kim Oanh khởi nghiệp thành công với ngành hàng sơn nước

Quỹ CWED có tổng vốn phát vay trong năm 2020 gần 260 tỷ đồng cho 10.367 thành viên. Đối tượng vay là hội viên phụ nữ, tiểu thương, nữ doanh nhân. Đặc biệt, đối với các hội viên có kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Quỹ ưu tiên cho vay với mức tối đa lên đến 100 triệu đồng.

Chị Trần Kim Oanh, hội viên phụ nữ phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM), trước đây chỉ ở nhà làm nội trợ, nguồn thu nhập của gia đình phụ thuộc vào chồng chị. Với đồng lương lái xe thuê của chồng, chị phải chắt bóp chi tiêu để lo cho 3 con nhỏ. Giữa lúc khó khăn, chị Oanh được Hội LHPN địa phương giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) thuộc Hội LHPN TPHCM. Ban đầu, chị Oanh vay 2 triệu đồng để mở quầy bán cà phê, nước ngọt vỉa hè. Sau một thời gian kinh doanh, chị Oanh đã có lãi, kinh tế gia đình được cải thiện.

Năm 2017, chị Oanh được một người thân hướng dẫn khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng sơn. Chị Oanh đã mạnh dạn đăng ký tăng mức vay lên 50 triệu đồng từ Quỹ CWED, cộng với số tiền vay mượn từ người thân và tích cóp để khởi nghiệp. Năm 2020 và 2021, chị được vay với mức 100 triệu đồng mỗi năm. Đều đặn mỗi tháng, chị trả cả gốc và lãi. Cứ thế, sau một năm, chị đã trả xong số tiền đã vay.

Chị Trần Thị Phố Hương, ở quận Bình Thạnh, cũng vay 50 triệu đồng từ Quỹ CWED vào năm 2018 để đầu tư kinh doanh ngành hàng dao kéo tại chợ Bà Chiểu. Có kinh nghiệm trong sử dụng nguồn vốn, chị Hương được Hội tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, phát triển thành viên. "Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay mà tôi đã kinh doanh thuận lợi. Giờ đây, tôi đang quản lý 7 nhóm với 45 thành viên vay vốn. Thời gian qua, Quỹ CWED đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ về vốn, kiến thức, kỹ năng xây dựng mô hình sản xuất, khởi nghiệp, kết nối với các thương nhân. Việc duy trì nguồn vốn của Hội đã giúp nhiều thương nhân không bị "tín dụng đen" bủa vây", chị Hương cho biết.

Quỹ CWED có tổng vốn phát vay trong năm 2020 gần 260 tỷ đồng cho 10.367 thành viên. Đối tượng vay là hội viên phụ nữ, tiểu thương, nữ doanh nhân. Đặc biệt, đối với các hội viên có kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Quỹ ưu tiên cho vay với mức tối đa lên đến 100 triệu đồng. Lãi suất trung bình 0,7%/tháng. Năm 2020, trong điều kiện thị trường tài chính, tín dụng khó khăn, hoạt động hỗ trợ vốn của Quỹ vẫn duy trì chất lượng tín dụng tốt, thu hồi vốn đảm bảo 100%. Các cán bộ tín dụng của Quỹ luôn bám sát địa bàn, nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của thành viên, kịp thời đề xuất hỗ trợ các trường hợp khó khăn, thực hiện giảm lãi trên 39 triệu đồng cho 396 thành viên.

Ngoài ra, Quỹ CWED còn tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội như: Trợ cấp và đỡ đầu cho con cán bộ Quỹ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 20 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trị giá gần 40 triệu đồng cho con của thành viên vay vốn có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh đó, CWED còn chú trọng lồng ghép vào các buổi sinh hoạt các chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hội viên, tổ chức tập huấn "Khởi sự doanh nghiệp" cho cán bộ, cộng tác viên các nhóm tín dụng nhỏ.

Năm 2003, Quỹ CWED được thành lập với nguồn vốn ban đầu là 20 tỷ đồng. Hiện CWED đã phát triển nguồn vốn lên 260 tỷ đồng. Đối tượng vay là hội viên phụ nữ, tiểu thương, nữ doanh nhân của TPHCM. Điều kiện vay phải có hộ khẩu thường trú. Nếu là nữ doanh nhân, tiểu thương phải có giấy phép kinh doanh. Danh sách đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn và văn bản đề nghị của Hội LHPN. Đồng thời được Hội LHPN địa phương giới thiệu tín chấp, thành lập tổ nhóm từ 5 đến 7 người. Chị em có thể liên hệ với chi hội phụ nữ tại nơi cư trú để được hướng dẫn.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm