Không chỉ tấn công vào nương, vườn, ruộng lúa của dân, châu chấu còn tấn công cả những cánh rừng bạt ngàn bên bản Nà Vạc, Pá Cạch, Co Muông và đang có nguy cơ lan rộng sang các bản khác. Theo lời những người già ở Mường Lạn thì đã 70-80 năm qua họ chưa bao giờ thấy có nhiều châu chấu xuất hiện đến mức như vậy và có sức tàn phá kinh khủng đến như thế.
Đàn châu chấu đi đến đâu ăn trụi lá cây đến đó. |
Đang phải điều trị bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, nhưng suốt nửa tháng qua ông Lò Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, như ngồi trên đống lửa. Ông liên tục gọi điện về xã để chỉ đạo cán bộ xã xuống giúp dân diệt châu chấu. Ông Tuấn kể, Mường Lạn vốn là mảnh đất xưa có không ít thú dữ hoặc các loài thú phá hại cây trồng của người dân, như khỉ, nai, hoẵng, bò tót, lợn rừng, voi… nhưng nỗi khiếp sợ với con châu chấu bé nhỏ thì lớn hơn cả đi rừng gặp hổ.
Đàn châu chấu dày đặc đậu xuống đâu là ăn trụi lá cây đến đấy. “Năm ngoái khi nó mới xuất hiện, chúng tôi huy động người dân đi vợt bắt, đập chết tới hàng bao tải, đã chẳng ăn thua gì. Ngoài huyện cũng hướng dẫn dùng thuốc trừ sâu bệnh phun nhưng không xuể. Với lại nó đậu dày đặc trên ngọn cây cao trong rừng nên không thể phun thuốc diệt sau bệnh tới nơi. Hết mùa hè rồi đến đợt rét đầu năm nay có sương muối, băng tuyết, thấy vắng bóng châu chấu, tưởng là thoát nạn. Nào ngờ đến mùa hè này nó lại sinh sôi, dày đặc hơn cả năm ngoái”, ông Tuấn lo lắng.
Anh Giàng Pả Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn chia sẻ: "Tôi vốn là nông dân ở bản Pá Cạch – một trong ba bản đang bị châu chấu tàn phá nặng nề nhất xã này. Chúng tôi tìm hiểu và được biết đàn châu chấu này vốn di cư từ bên các bản lân cận thuộc huyện Nậm Ét của Lào sang bên ta. Năm ngoái ở bên dó dân các bản này đã mất trắng mùa màng bởi châu chấu. Họ cũng đã diệt được nhiều tấn châu chấu, phải lấy ô tô tải chở đi tiêu hủyb nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Bây giờ nó hoành hành ở đây. Ruộng lúa nào nó đậu xuống là chỉ trong thời gian ngắn sẽ trụi cả ngọn lẫn thân như bị máy cưa cắt tới tận gốc".
50 ha hoa màu và rừng của bà con xã Mường Lạn đã bị châu chấu "xơi tái". |
Khi được hỏi “sao không bắt châu chấu đem bán ? Nó là món ăn dân dã có tiếng ở thành phố Sơn La và các tỉnh lân cận ?”, anh Tủa lắc đầu, cười: Dân cũng ăn thử rồi, loại châu chấu này xác như ve sầu chứ không ngon như châu chấu ruộng ở vùng Phù Yên, Yên Châu (Sơn La) hay như những vùng dưới xuôi đâu. Chúng tôi cũng từng xua gà, vịt ra để bắt châu chấu giúp nhưng chính con gà cũng chả dám ăn. Hiện giờ nó đã loang ra tới cả chục ha ở Mường Lạn này rồi”.
Theo tìm hiểu của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, hiện tại, mật độ châu chấu rất lớn, có những chỗ lên tới 500-700 con/m2 nhưng chúng vẫn chưa mọc đủ cánh nên việc bay di chuyển còn hạn chế. Đây là thời điểm dễ tiêu diệt nhất. Cái khó là huyện, tỉnh chưa công bố dịch nên kinh phí dập dịch không có. Trước mắt, nguồn lực chiến đấu với dịch châu chấu vẫn chỉ trông vào lòng nhiệt tình đầu tư tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công sức của cán bộ xã, bản cùng người dân.