Cháu ôn luyện cho bà ngoại 63 tuổi thi đại học

25/07/2019 - 14:24
Là người có ý chí học tập nhưng vì gia đình nghèo khó nên cô Đào Thị Thư (SN 1956, quận 8, TPHCM) phải dừng lại việc học giữa chừng. Giờ đây, khi con cái đã ổn định cuộc sống, gánh lo kinh tế gia đình không còn đè nặng, cô Thư quyết định trở lại trường học để theo đuổi đam mê của một thời son trẻ.

Thí sinh 63 tuổi

Cô Thư là một thí sinh khá đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm nay của trường ĐH Văn Hiến TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Cô đã có 4 người con và 7 đứa cháu ngoại. Dù 63 tuổi nhưng cô vẫn hồi hộp và háo hức đến Phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. Cô Thư đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Piano và nguyện vọng 2 vào Ngôn ngữ Pháp.

Cô Thư cho biết: “Trước khi đi nộp hồ sơ, các con tôi đã bảo rằng thi vào ngành Piano rất khó. Tôi không biết trình độ của mình có vào được ngành này hay không. Mấy tháng nay, con gái và đứa cháu ngoại phải hướng dẫn, hỗ trợ tôi chọn bài, luyện cách đánh đàn cho tôi để đi thi”.

 

1-2.jpg
Cô Đào Thị Thư - thí sinh 63 tuổi của trường ĐH Văn Hiến TPHCM
 

Từ nhỏ, cô Thư đã có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc, thế nhưng hoàn cảnh nghèo khó khiến cô không dám mơ ước được chạm tay vào phím đàn. Vậy nên, khi có con cô đã cố gắng kiếm tiền lo cho con học văn hóa và học thêm đàn organ. Sau này, con cái lớn lên và có gia đình riêng nên để lại cây đàn ở nhà. Từ đó cô đã bắt đầu đi học đàn để tự mình chơi đàn.

“Thấy cháu ngoại chơi Piano, tôi thấy cũng thích. Nghe tiếng đàn, tôi mê quá. Vậy nên tôi lại đi học đàn Piano. Vừa qua, thấy ĐH Văn Hiến cho học viên trên 61 tuổi học miễn phí nên tôi đăng ký theo học cho bài bản”.

Bằng tú tài hạng ưu

Cô Thư kể: “Sau khi đậu tú tài hạng ưu, tôi học ĐH ở trường Khoa học 1 năm thì đất nước giải phóng. Lúc đó, gia đình tôi quá khó khăn, sau tôi có 7 đứa em nên cô phải dừng lại việc học và đi lấy chồng, cho nhà bớt miệng ăn”.

Mãi đến năm 2007, khi con cái đã trưởng thành, cô quyết định quay lại trường học thực hiện ước mơ của mình. Cô đã đi ôn luyện 3 năm tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Với niềm đam mê của mình, khi kết thúc 3 năm học cô đạt điểm TOEIC 600. Đến năm 2011, cô tiếp tục dự thi đại học từ xa của Trường ĐH Hà Nội và tốt nghiệp năm 2016 với tấm bằng cử nhân.

 

1-3.jpg
Cô Thư và 4 người con của mình

 

Năm nay, cô tiếp tục đăng ký xét tuyển đại học chọn vào ngành Piano để theo đuổi đam mê nghệ thuật. “Quay lại việc học cũng có những khó khăn của tuổi tác, tôi thích học là một chuyện, còn học được hay không lại là một chuyện khác nữa vì có bỏ tiền ra chưa chắc mua được chữ đâu. Từ lúc đi thi tiếng Anh đạt 80/100 điểm là tôi có động lực đi học ngay. Tôi tin với ngành học Piano này, tôi sẽ làm được”, cô Thư bộc bạch.

“Cô đi học cùng các bạn nhỏ cô cũng không thấy mắc cỡ gì cả vì tính cách của cô cũng hòa đồng và tân thời. Nhiều bạn cùng lớp không nghĩ cô quá lớn tuổi như vậy. Mỗi lần thi học kỳ nhà trường dán tờ giấy báo số bí danh, tên, ngày tháng năm sinh trước phòng thi. Nhiều bạn chạy vào bảo rằng văn phòng đánh sai năm sinh của chị rồi kìa, lúc đó cô chỉ cười thôi chứ không biết nói gì cả, vì không ai nghĩ cô lớn tuổi vậy mà vẫn đi học”, cô Thư kể.

Bất ngờ làm giáo viên tiếng Anh

Sau khi nghỉ học giữa chừng, cô Thư đi lấy chồng. Lúc đó cô chỉ là một thiếu nữ rất yếu đuối, chỉ biết học chứ chưa va chạm cuộc sống. Mặc dù rất khờ dại nhưng cuộc sống bắt buộc cô phải lăn vào đời kiếm sống. Nhưng nhờ những kiến thức học được từ nhà trường, cô bước vào kinh doanh. Cô nhạy bén với nhu cầu thị trường và bước vào buôn bán hàng tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Âu, các mặt hàng như thảm, khăn… Sau đó, cô sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Đông Âu trong thời gian 20 năm.

 

1-1.jpg
Cô Thư cùng con gái và cháu ngoại đi du lịch

Cô Thư kể lại: “Khi Liên Xô tan rã, một số người động viên tôi sang Nga làm việc. Tôi đã từ chối vì muốn làm tại quê hương và các con cũng đã lớn rồi, tôi đã nhẹ gánh lo. Sau đó, tôi nghỉ ở nhà và buồn quá nên quyết định đi học lại tiếng Anh và đi dạy cho trẻ em. Cuộc đời tôi cũng rất bất ngờ vì một người kinh doanh không ai nghĩ lại trở thành cô giáo. Thời điểm mười mấy năm trước, giáo viên tiếng Anh rất cần nên tự nhiên cô được đi dạy và trở thành cô giáo cho đến giờ này”.

Năm 2019, Đại học Văn Hiến áp dụng chương trình học bổng “Học tập suốt đời”, theo đó sinh viên sẽ được hỗ trợ học phí toàn khóa với tỷ lệ giảm theo từng độ tuổi. Giá trị mức hỗ trợ lên đến 100% học phí toàn khóa học. Theo đó, các thí sinh từ độ tuổi từ 22 đến 61 tuổi sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi từ 20% đến 100% học phí.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm