Chạy sô hài: Khóc, cười đều cần có tâm

04/03/2017 - 09:43
'Con sâu làm rầu nồi canh' - việc một số nghệ sĩ tự khoác áo danh hài sẵn sàng nhận lời cùng lúc nhiều game show truyền hình và dễ dãi đáp ứng yêu cầu nhà sản xuất, miễn có rating cao, thu lợi nhuận lớn, khiến nhiều người trong cuộc phải lên tiếng.

NSƯT Đức Hải cho rằng, ở góc độ kinh doanh, việc các nhà sản xuất buộc lòng phải mời những người có thể xin được tài trợ để có tiền đầu tư cho game show là có thể thông cảm được. Nhưng dưới góc độ xã hội, trong mắt nhìn của một khán giả thì anh cho là các nhà sản xuất cần phải cân đối lại đội ngũ “host” của các game show.

5626f456-7e0e84ecff.JPG
NSƯT Đức Hải cho rằng các nhà sản xuất cần phải cân đối lại đội ngũ “host” của các game show

Trong khi nhà nhà làm game show, người người làm game show, một số diễn viên hài không bỏ lỡ cơ hội, tranh thủ nhận lời mời ngồi ghế giám khảo thì vẫn có những tên tuổi kỳ cựu nhất mực 'nói không' với game show bởi họ hiểu rõ “con dao hai lưỡi” của game show, những được và mất sau hào nhoáng của game show và sự đam mê, nuôi dưỡng, “giữ lửa” với nghề mà họ cả đời theo đuổi.

huu-chau-2-jpg-1354525683_500x0.jpg
Nghệ sĩ Hữu Châu, Thành Lộc được khán giả đánh giá là "nói không" với hài nhảm

“Những nghệ sĩ làm nghề chân chính, người ta luôn ý thức được giá trị của mình, biết được khán giả đến với mình vì điều gì. Cho nên tại sao tôi từ chối rất nhiều game show là thế. Nhà sản xuất đôi khi cũng tránh mời vì biết tính tôi không chịu đi theo đường dây của họ. Ngồi ghế giám khảo, tôi nói hoặc làm những điều người ta không vừa ý. Tôi chỉ muốn nói thật, không thích diễn trò trước công chúng” - nghệ sĩ Tấn Beo chia sẻ.

Nói về tình trạng hài lố, hài tục xuất hiện liên tục trên sóng truyền hình trong thời gian gần đây, vợ chồng diễn viên hài Thu Trang - Tiến Luật nhìn nhận, làm nghệ thuật, tức là mình đang truyền tải văn hóa. "Tục" thì không thể nào gọi là văn hóa được. 

vo-chong.jpg
Vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật

Trang chia sẻ: “Khán giả thì có nhiều thành phần, nhiều gu khác nhau, nên việc họ chọn "món ăn tinh thần" cho bản thân mình cũng khác nhau và phù hợp với chính họ. Riêng Trang và Luật luôn dặn dò nhau, cố gắng hết sức: Không phục vụ "món ăn tinh thấn" kém ngon cho khán giả. Khi đọc một kịch bản, người nghệ sĩ như là khán giả đầu tiên của vở kịch, tự tưởng tượng trong đầu những hình ảnh hiện ra trên sân khấu hay trên màn ảnh, xem và cảm nhận nó: Thông điệp truyền tải là gì? Cách đặt vấn đề và "gỡ nút thắt" có đủ thuyết phục hay chưa?... Cứ đặt mình vào hàng ghế khán giả, để cảm nhận trước”.

Để "nói không” với hài nhảm suy cho cùng vẫn là cái tâm của người nghệ sĩ. Kiều nữ làng hài Nam Thư chia sẻ: "Cái tâm của người nghệ sĩ diễn hài là làm sao để chọn lọc kịch bản cho tốt, cho hay? Theo quan điểm cá nhân tôi, người diễn viên muốn bước ra sân khấu để biểu diễn thì điều cần phải có chính là kịch bản. Đây được xem là yếu tố “sống còn” của một người diễn viên.

nam_thu__doi_no_3.JPG
Nam Thư luôn tâm niệm rằng, mình không được phép dễ dãi khi làm nghệ thuật

Tôi luôn tâm niệm rằng, mình không được phép dễ dãi khi làm nghệ thuật, không được qua loa hay chỉ làm cho có… Đó là điều mà tôi đã được học từ những năm đầu tiên bước vào trường sân khấu và luôn ghi nhớ cho đến tận bây giờ. Chọn được một kịch bản hay là điều mà tất cả diễn viên đều mong muốn. Nhưng không phải ai cũng có khả năng phân tích kịch bản, hiểu và hơn hết là cảm nhận của người diễn viên có đủ sức lột tả được hết tính cách của nhân vật hay không? Với diễn viên hài thì việc chọn được một kịch bản hay còn khó hơn rất nhiều.

Làm khán giả khóc đã khó, còn để khán giả cười và đồng cảm thì khó gấp mười lần. Mà tiếng cười còn phải có ý nghĩa, phụ thuộc vào thông điệp và kỹ năng diễn xuất của người diễn viên. Tất cả phải được thể hiện một cách trọn vẹn trên sân khấu thì cái khó càng nhân lên gấp nhiều lần.

Để làm tốt, tôi phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng. Khi nhận được kịch bản nào đó, điều đầu tiên phải làm là đọc thật kỹ nội dung và nhân vật được hướng đến. Chính bản thân phải hiểu, phải sống và đồng cảm với nhân vật thì mới thể hiện tốt được. Sau khi hiểu và thuộc kịch bản, mình phải phát triển nhân vật sao cho mọi người thấy rằng Nam Thư là nhân vật, chứ không phải Nam Thư đang diễn nhân vật.

Cuối cùng là sự luyện tập với những đồng nghiệp cùng thể hiện trong kịch bản để kết hợp thật ăn ý trên sân khấu. Còn với những kịch bản mình chưa thể hiểu được hoặc cảm nhận vai diễn không phù hợp thì sẽ bị từ chối ngay từ đầu, dù cát-xê hay lợi nhuận đem lại có nhiều đến mấy.

Tôi tin rằng, nếu ai cũng chuẩn bị kỹ lưỡng và bỏ cái tâm vào vai diễn của mình thì chắc chắn người diễn viên đó không sớm thì muộn sẽ được mọi người yêu mến”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm