“Chế tủ lạnh" không cần điện, bảo quản thực phẩm được 27 ngày

26/12/2017 - 09:09
Một giáo viên người Nigeria đã “chế” chiếc tủ lạnh có thể bảo quản đồ ăn tươi ngon trong gần một tháng. Điều đặc biệt là chiếc tủ lạnh được sáng chế theo “công nghệ thời cổ đại”, không cần cắm điện.
Làm lạnh bằng công nghệ “bình trong bình”

Do địa hình xa xôi và chi phí sử dụng điện quá đắt đỏ nên cái tủ lạnh vẫn chỉ là ước mơ đối với những người dân nghèo châu Phi. May mắn đã mỉm cười với họ khi ông Mohammed Bah Abba, giáo viên người Nigeria đã chế ra một công cụ giữ lạnh, có khả năng bảo quản thực phẩm, rau củ, trái cây tươi ngon trong 27 ngày, không thua kém gì tủ lạnh.
1.jpg
Mohammed Bah Abba, giáo viên người Nigeria đã chế ra một công cụ giữ lạnh, có khả năng bảo quản thực phẩm, rau củ, trái cây tươi ngon trong 27 ngày, không thua kém gì tủ lạnh.

Đặc biệt hơn là tủ lạnh này không hề tiêu tốn điện năng, nên không mất nhiều chi phí, thậm chí còn có thể di chuyển dễ dàng. Sống trong thời tiết khắc nghiệt, nắng như thiêu đốt ở châu Phi, ông cũng có ước mơ như bao người dân nơi đây là có một cái tủ lạnh.

Mohammed Abba sinh năm 1964, trong gia đình có truyền thống làm đồ gốm và đất sét ở vùng nông thôn phía Bắc Nigeria. Nghệ thuật gốm có nguồn gốc lâu đời ở châu Phi. Ở Nigeria, chậu đất nung đã được sử dụng từ thời cổ đại, với nhiều sản phẩm như, nồi nấu, đồ chứa nước, quan tài, tủ đựng quần áo, nơi cất tiền...

Ngày nay, những chậu/tủ đất sét này gần như đã biến mất, thay thế hoàn toàn bằng các sản phẩm từ nhôm. Từ thưở ấu thơ, Abba đã quá quen thuộc với các sản phẩm từ đất sét. Sau đó, nghiên cứu về sinh học, hóa học, địa chất, ông đã làm sáng tỏ các vấn đề về kỹ thuật, là nền tảng để nhiều năm sau này ông phát triển hệ thống bảo quản làm lạnh “bình trong bình”.

Dựa vào ý tưởng cổ xưa của chiếc bình gốm giữ nước lạnh, ông đã chế tạo ra chiếc tủ lạnh đặc biệt. Hai chiếc bình gốm to và nhỏ được lồng vào nhau, khoảng trống giữa hai bình được đổ đầy cát ướt, liên tục được làm ẩm, còn bình gốm nhỏ sẽ dùng để bảo quản thực phẩm và phủ một tấm vải ướt.
3.jpg
Thời gian bảo quản lên tới 27 ngày, gấp 9 lần so với việc bảo quản thực phẩm, hoa quả ở nhiệt độ bình thường.

Hiện tượng xảy ra dựa trên một nguyên lý đơn giản của vật lý, nước trong cát giữa hai chậu bay hơi về phía bề mặt bên ngoài của bình lớn, nơi không khí bên ngoài đang lưu thông. Nhờ các quy luật nhiệt động lực học, quá trình bốc hơi tự động làm giảm nhiệt độ, làm mát bình chứa nhỏ bên trong, tiêu hủy các vi sinh vật gây hại và bảo quản các thực phẩm bên trong tươi ngon. 

Giá thành của tủ lạnh rẻ bất ngờ (2 USD cho bình nhỏ, 4 USD cho bình có kích thước lớn hơn), giúp cho gia đình nào cũng có thể sở hữu một đến vài cái. Thời gian bảo quản lên tới 27 ngày, gấp 9 lần so với việc bảo quản thực phẩm, hoa quả ở nhiệt độ bình thường.

Sáng chế vì cộng đồng

Sống ở quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề đói nghèo, bệnh tật,... Abba đã cố gắng góp phần cải thiện cuộc sống của người dân. Ông trở thành giảng viên nghiên cứu kinh doanh tại ĐH Bách khoa tiểu bang Jigawa vào năm 1990.

Ngoài thời gian giảng dạy, Abba làm tư vấn cho Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Jigawa, tổ chức các hoạt động cộng đồng và các buổi hội thảo. Abba cũng là người kiên định trong việc ủng hộ các quyền của phụ nữ.
4.jpg
Tạp chí Time từng gọi phát minh mang tính đột phá “bình làm lạnh” của Mohammed là một trong những phát minh vĩ đại của năm.

Công việc này khiến ông càng gần gũi với người dân ở nông thôn, nơi ông quan sát được người dân phải trải qua sự khó khăn trong quá trình tự cung tự cấp để nuôi sống gia đình. Thực tế của đói nghèo, khổ sở, chính là động lực để Abba sáng chế ra tủ lạnh không chạy điện phục vụ việc bảo quản thực phẩm.

Tủ lạnh không cắm điện đã giúp thay đổi cuộc sống của dân nghèo Nigeria khi nông sản lưu giữ được lâu hơn, bán được giá hơn và hạn chế được nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do phải sử dụng sản phẩm kém chất lượng, trong quá trình phân hủy.

Người dân cũng không cần ngày nào cũng phải đi chợ mua thực phẩm. Abba cho biết, ông phát triển sản phẩm này với mong muốn giúp người nghèo ở nông thôn một cách hiệu quả và bền vững. Cha đẻ của sáng chế “tủ lạnh không hại điện” được trao giải thưởng Rolex Award for Enterprise dành cho sáng chế xuất sắc vào năm 2000.

Ông qua đời vào năm 2010, nhưng trước khi mất ông đã liên tục cải tiến hệ thống bình trữ lạnh này. Ông còn dùng tiền của mình để thuê các nhà máy địa phương sản xuất 5.000 tủ lạnh phân phối cho 5 ngôi làng ở Jigawa và 7.000 tủ lạnh khác cho người dân Nigeria.

Đến nay, những chiếc tủ lạnh này vẫn được sử dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn Nigeria, Cameroon, Chad, Sudan, Congo... Phát minh của ông còn vĩ đại ở chỗ đã góp phần vào sự tiến bộ của phụ nữ khi giúp các bé gái thoát khỏi việc phải bán tống bán tháo thực phẩm, rau quả hàng ngày vì sợ hỏng.

Thay vào đó, các bé gái được tự do đến trường và số lượng trẻ em gái theo học tiểu học ở các ngôi làng đang ngày càng tăng lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm