Chỉ 2 câu hỏi không thể đánh giá nhân cách cô gái 'Ai là triệu phú'

24/11/2016 - 08:09
Sau khi xuất hiện trong chương trình “Ai là triệu phú” phát sóng tối 22/11, Phạm Thị Quyên trở thành nạn nhân hứng vô số 'gạch đá' từ tâm lý đám đông. Chuyên gia tâm lý cho rằng, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có thể gây hậu quả khôn lường.

Đoạn ghi hình Phạm Thị Quyên khi trả lời 2 câu hỏi đầu tiên trong chương trình "Ai là triệu phú" đã phải dùng đến trợ giúp (phát sóng trên VTV tối 22/11) được cắt lại và chia sẻ rất nhiều trên mạng Facebook, sau đó nhận được vô số bình luận ác ý của nhiều tài khoản ở mạng xã hội, khiến câu chuyện bị đẩy đi khá xa khi nhiều người còn gán với trình độ, nhận thức, thậm chí nhân cách của người chơi Phạm Thị Quyên.

 Phạm Thị Quyên trở thành "mũi dùi" của mạng xã hội khi không tự trả lời được câu hỏi này. Ảnh cắt từ clip.

Trao đổi với PNVN, ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh (Giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, lại có thêm một nạn nhân phải “chịu trận” từ tâm lý đám đông, trong khi người chơi không hề đáng phải chịu điều này.

“Rõ ràng không thể bắt người khác giỏi giang giống mình hay bắt người khác phải hiểu biết như mình nên đừng vội áp đặt cho cô gái trẻ ấy. Người nào cũng có điểm mạnh, yếu khác nhau và không thể dựa vào hai câu trả lời đơn thuần để đánh giá rằng nhân cách hay kỹ năng sống của cô ấy có vấn đề!" - bà Tuyết Minh nói.

Theo bà Minh, chính tâm lý đám đông, hùa theo ý kiến của đám đông dẫn đến mất phương hướng thông tin. Mọi giá trị xã hội theo đó cũng bị đảo lộn, không biết giá trị thực của thông tin là gì và đang hướng đến điều gì. Nếu thông tin theo chiều hướng tiêu cực, ác ý, không có tinh thần xây dựng thì người trong cuộc sẽ chịu áp lực tâm lý khá nặng nề.

ThS. Tuyết Minh cho rằng, nhận xét, phê bình là để người khác tiến bộ và tốt hơn lên chứ không phải khiến họ khủng hoảng, hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế, mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm với lời nói của mình, ngay cả trên mạng xã hội, tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc.

Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội thể hiện tính chất "con dao hai lưỡi". Điều đau xót là trong vòng 2 năm trở lại đây, tại nước ta, đã có ít nhất 3 vụ tự tử vì không chịu được áp lực từ mạng xã hội. Mới nhất là câu chuyện về 1 nữ sinh 15 tuổi đã tìm đến cái chết sau khi bạn trai tung clip sex lên facebook. 

“Ai là triệu phú” vốn là gameshow thu hút quan tâm của người xem truyền hình bởi nhiều câu hỏi trắc nghiệm đa dạng về các lĩnh vực trong cuộc sống.

Người chơi Phạm Thị Quyên (đến từ Hà Nội) trong 2 câu hỏi đầu tiên đã không trả lời được và phải dùng đến trợ giúp. 

Sau khi chương trình phát sóng, cô gái 24 tuổi này đã trở thành đề tài “nóng” trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Bên cạnh những ý kiến bênh vực người chơi, phần lớn các ý kiến đều đưa ra thái độ chế giễu, những nhận xét khá ác ý với Phạm Thị Quyên. Nickname Xuan Dong không ngần ngại mắng mỏ người chơi và kết luận: “Thế mà cũng đăng ký thi, đáng thất vọng cho một số cô gái trẻ hiện đại, ăn học tốn cơm gạo bố mẹ, chữ thầy trả cho thầy!”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm