pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chị chồng nấu cơm ngày 3 bữa, đêm trông cháu giúp em dâu
Nàng dâu nào lấy chồng cũng lo lắng về mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, còn với chị Nguyễn Thị Huyền Trang (25 tuổi, sống tại Bắc Giang) thì luôn cảm thấy may mắn vì được nhà chồng yêu thương, đùm bọc. Đặc biệt là chị chồng tình cảm, luôn quan tâm, chăm sóc em dâu.
Chị Trang kể, khoảnh khắc đầu tiên gặp chị chồng là Hoàng Thị Thanh Mai (29 tuổi), chị cảm thấy vô cùng lo lắng "sợ hơn bất cứ ai trong nhà". Vì nhìn chị lầm lì, ít nói, tạo cho đối phương cảm giác khó gần và xa cách.
"Trong đầu mình nghĩ, có vẻ chị khó tính và hơi kiêu kì, mình nên dè chừng. Ấy thế nhưng mình đã nhầm, dần dần chị em nói chuyện nhiều hơn, thoải mái kể chuyện trên trời dưới biển, sự lăn tăn trong lòng hồi mới gặp chị cũng bay biến đi từ lúc nào không hay. Có những hôm chị em nhắn tin với nhau đến nửa đêm, chồng mình quay sang tò mò "nói chuyện với ai mà dai thế", mình cười bảo "bồ" (tại đang chuyên mục kể tội những người đàn ông mà không ham sao được).
Hơn 2 năm làm dâu, mình thân với chị như hai người bạn, khoảng cách chị chồng em dâu dường như không tồn tại, mình có thể nói ti tỉ thứ chuyện mà không sợ chị phán xét hay kể lể với ai. Trong những cuộc vui hay đi chơi, chị sẽ là nhiếp ảnh, đạo diễn cho vợ chồng mình sống ảo, với kinh nghiệm vài năm trong nghề ảnh cưới, chị chưa bao giờ làm bọn mình thất vọng", chị Trang kể.
Và xúc động nhất là khi bà mẹ trẻ có bầu, tình cảm chị em còn khăng khít hơn. Hai chị em cùng sắm đồ cho em bé, chia sẻ kinh nghiệm mang thai, nuôi con... Lúc chị Trang sinh, bên cạnh không có bà nội bà ngoại nào cả (bà ngoại bận trông ông ngoại ốm, bà nội bận công việc), chỉ có chị chồng, chồng và bạn thân của chồng chăm nom khiến bác sĩ y tá nào cũng ngạc nhiên vì toàn thanh niên chưa đến 30 tuổi đi canh bà đẻ.
Anh rể đi làm xa, chị Mai cũng dọn sang ở với vợ chồng chị Trang luôn để tiện chăm sóc 2 mẹ con trong sự tin tưởng tuyệt đối của hai bà nội ngoại. Ngày nấu cơm 3 bữa cho bà đẻ, đêm trông cháu, dỗ cháu... Hôm nào đi làm thì chị Mai sẽ sơ chế chuẩn bị sẵn.
"Mà khổ thân, cứ chị nấu thì mình ăn được nhiều, bữa nào chồng nấu không ăn quá được 2 lưng cơm. Sau đó, vợ chồng chị Mai phải về ngoại ăn Tết, thế là mình cũng "bám càng" chị để được ăn ngon và em bé được bác chăm sóc.
Cứ ở với chị, với chồng là sẽ được ở cữ đàng hoàng, cơm không phải nấu, bát không phải rửa, nhà cửa không phải dọn, quần áo không phải giặt, con cũng không đến lượt mình thay tã, tắm rửa luôn", chị Trang xúc động kể lại.
Khoảnh khắc đáng yêu của hai chị em.
Chị Mai rất khéo tay, thường xuyên nấu những món ngon trong thời gian ở cữ cho em dâu mình. Những mâm cơm đơn giản, dễ nấu và vẫn đầy đủ dinh dưỡng.
"Cảm ơn chị vì đã là chị chồng của em, nhờ chị mà mẹ con em béo lên trông thấy, sang năm em lại đẻ nhé", chị Trang nhắn gửi.
Những bữa ăn ở cữ luôn ngon và đẹp mắt chị chồng nấu cho chị Trang.
Có lẽ, với bất cứ mẹ bỉm nào, sau khi sinh luôn cần sự chăm sóc, quan tâm của mọi người, đặc biệt là gia đình chồng. Nếu được yêu thương, giúp đỡ thì chắc hẳn mẹ bỉm sẽ hạnh phúc, không có chỗ cho sự trầm cảm, stress nào cả. Hy vọng mẹ bỉm nào cũng được yêu thương!