“Chị Đẹp” Bến Tre và sáng kiến giúp phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Vân Anh
24/06/2021 - 14:39
“Chị Đẹp” Bến Tre và sáng kiến giúp phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Chị Đỗ Thị Đẹp được giải Nhất tại cuộc thi "Phụ nữ sáng tạo – Phát triển giải pháp giúp cải thiện vệ sinh và nước sạch ứng phó với biến đổi khí hậu và hòa nhập xã hội tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".

Với sáng kiến giúp nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng phó với hạn mặn và biến đổi khí hậu, chị Đỗ Thị Đẹp, tỉnh Bến Tre đã được TƯ Hội LHPN Việt Nam ghi nhận và trao tặng giải thưởng giá trị.

Chị Đỗ Thị Đẹp với ý tưởng sáng tạo giúp phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được trao tặng giải Nhất tại cuộc thi "Phụ nữ sáng tạo – Phát triển giải pháp giúp cải thiện vệ sinh và nước sạch ứng phó với biến đổi khí hậu và hòa nhập xã hội tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" do TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tổ chức. 

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ Dự án Cải thiện Vệ sinh và Nước sạch dựa trên Kết quả do Phụ nữ làm chủ do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ thực hiện tại Việt Nam với nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao Thương mại Úc thông qua quỹ "Nước sạch cho Phụ nữ".

Phát triển nông nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững

"Sáng kiến của tôi đến từ mối lo lắng khôn nguôi về những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu tại chính quê hương của mình", chị Đỗ Thị Đẹp, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre chia sẻ.

Với nỗi niềm trăn trở tạo ra những cải tiến giúp người dân tại tỉnh Bến Tre cải thiện chất lượng nông sản, tăng thu nhập và đảm bảo sinh kế bền vững, chị Đẹp cùng các cộng sự của mình đã phát triển dự án "Sản xuất rau hữu cơ kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt và màng phủ nông nghiệp đảm bảo sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu".

“Chị Đẹp” Bến Tre và sáng kiến giúp phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Đẹp (bên trái) tạo ra những cải tiến giúp người dân tại tỉnh Bến Tre cải thiện chất lượng nông sản, tăng thu nhập và đảm bảo sinh kế bền vững

Chị Đỗ Thị Đẹp giới thiệu: Ý tưởng được phát triển từ một chương trình chị đã tham gia về nông nghiệp hữu cơ. Nhờ đó, chị phát hiện ra những điểm chưa phù hợp rồi bổ sung thêm một số phương pháp cải tiến để giải quyết nhu cầu thực tế của bà con nông dân tại địa phương.

Mục đích ý tưởng của chị Đẹp là hỗ trợ các gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ổn định và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ ủ phân hữu cơ mới giúp thời gian lao động được giảm bớt và khối lượng sản phẩm thu được nhiều hơn, đồng thời nâng cao chất lượng phân bón, giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ đó, không chỉ tăng cường năng suất mà còn đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người dân, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, chị Đẹp dành nhiều thời gian tìm hiểu nghiên cứu các phương pháp nhằm ứng phó với hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre. Hệ thống tưới nhỏ giọt mà chị áp dụng giúp tiết kiệm nước, thời gian và chi phí trong quá trình sản xuất, đồng thời đảm bảo nhu cầu nước cho cây sinh trưởng và phát triển.

Chị Đỗ Thị Đẹp cũng chia sẻ thêm: Chị đưa vào sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế độ phèn, mặn của đất, giúp tăng năng suất và sức khỏe cây trồng. Nước ngọt sẽ được tích trữ trong các hồ chứa, ao phủ bạt để đảm bảo quá trình trồng rau hữu cơ được liên tục, không bị ngắt quãng như trước do nước nhiễm mặn.

Không chỉ mang đến những cải tiến về kĩ thuật sản xuất, ý tưởng của chị Đẹp còn phát triển định hướng lâu dài cho sinh kế của những người nông dân thông qua việc kết nối với các đơn vị tiêu thụ để đảm bảo việc phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiệu quả.

Một website riêng của dự án về nông nghiệp sạch đang được chị Đẹp và nhóm cộng sự xây dựng. Website không chỉ là cầu nối giữa những hộ sản xuất với người tiêu dùng, mà còn phổ biến, nâng cao kiến thức về việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước khan hiếm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm