Chỉ thở phào khi tối về không có cuộc gọi nào của phụ huynh

25/02/2017 - 09:32
Đó là chia sẻ rất thật về nghề của chủ một cơ sở mầm non tư thục ở Hà Nội. Nghe những sẻ chia tâm gan của họ, mới hiểu rằng là 'đầu tàu' của môi trường giáo dục mầm non đầy áp lực và không dễ dàng.

Áp lực tâm lý sau vụ Sen Vàng

Thành lập và duy trì ngôi trường mầm non tư thục nhiều năm nay, với chị Thu Phương (chủ 1 cơ sở mầm non tư thục ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội) là quãng thời gian đầy thử thách. Ấy là thử thách lòng yêu nghề, bản lĩnh và một tinh thần thép trong môi trường giáo dục mầm non với không ít áp lực.

Với chị Phương và nhiều đồng nghiệp là chủ cơ sở mầm non tư thục khác ở Hà Nội, cho đến giờ, vụ mầm non Sen Vàng (nơi có giáo viên đập dép vào đầu trẻ) vẫn còn là nỗi ám ảnh. Theo chị, đó như một 'đám mây đen' lan tỏa, để lại bầu không khí khá căng thẳng và nặng nề với không ít giáo viên mầm non.

'Cũng là người mẹ nên tôi rất hiểu và thông cảm với phụ huynh cháu bé bị bạo hành. Còn ở cương vị người quản lý, tôi thấy phẫn nộ thay cho phụ huynh và khó chấp nhận tại sao một chủ trường có thể đồng lõa với giáo viên để bạo hành xảy ra trong trường học. Đây là một bài học rất đắt giá cho những người làm quản lý như chúng tôi'- chị Phương tâm sự.

 Những người làm công tác quản lý giáo viên mầm non chịu không ít áp lực từ nghề.
Ảnh minh họa internet.

Theo chị Phương, với những chủ trường có tâm, yêu nghề, làm công việc liên quan đến con người thì càng phải cân nhắc và hết mình với nghề. Có tâm huyết, có lòng yêu nghề thôi chưa đủ, đó còn là sự thử thách bản lĩnh, lý trí để có thể xây dựng được một môi trường giáo dục hiệu quả, đáng tin cậy.

Nữ chủ trường chia sẻ, sau vụ Sen Vàng, phụ huynh trở nên thận trọng hơn, thậm chí nhiều phụ huynh thể hiện sự nghi ngờ các cô sẵn sàng bạo hành con mà thiếu đi những nhìn nhận khách quan.

Chị Phương nhớ mãi một vụ việc gây hiểu lầm từ đầu năm 2017 mà cho đến bây giờ, vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên trong trường. Một học sinh khá nghịch, hay leo trèo, thân hình lại hơi mập nên có một lần, do vô tình tì vào thanh chắn ở lớp, lưng cháu để lại vết thâm mờ.

Mẹ cháu bé này chưa tìm hiểu câu chuyện đã vội quy chụp rằng cô giáo đánh con mình, thậm chí còn tung nhiều lời lẽ khiếm nhã nhằm nhục mạ và hạ thấp uy tín các cô giáo của trường. Mặc dù đã giải thích, cam đoan và cung cấp cả camera để kiểm chứng, nhưng vị phụ huynh này vẫn cố tình truy vấn, bất hợp tác với trường.

'Cả một tuần liền chúng tôi căng thẳng, không một tiếng cười. Dù đã đối thoại trực tiếp với phụ huynh để làm rõ vấn đề, nhưng tâm lý các cô vẫn bị ảnh hưởng. Không ít phụ huynh không đồng cảm, thiếu tin tưởng vào phương pháp giáo dục của các cô, thậm chí thiếu tôn trọng và hợp tác với nhà trường, nên để đi đến tiếng nói chung với phụ huynh là cả một quá trình'- chị Thu Phương nói.

'Tối về nhà mà không thấy cuộc gọi nào của phụ huynh mới thở phào nhẹ nhõm. Bất cứ lúc nào có cuộc gọi của phụ huynh là xác định trước tâm lý, tinh thần thép. Lắm lúc mệt mỏi, tôi muốn bỏ cuộc, chuyển nhượng trường cho người khác, nhưng đã xác định gắn bó với nghề nên lại tiếp tục 'chiến đấu' với nghề!'- nữ chủ trường bộc bạch.

Cần lắm, một cái ôm, một nụ cười!

Không chỉ ứng xử với phụ huynh sao cho thấu tình đạt lý, là người quản lý trường, chị Phương còn cho rằng, tạo ra một tập thể vững mạnh, đồng lòng là yếu tố quyết định sự sống còn của ngôi trường.

Kinh nghiệm của chị Thu Phương, là chủ trường trước hết phải nắm rõ tính cách, lý lịch, đặc điểm của giáo viên và chắc chắn cái tâm của người giáo viên đó tốt thì mới nhận vào làm. Nếu không yêu trẻ, tốt nhất không nên làm công việc này.

Để xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, thân thiết và đoàn kết, chủ trường cần đồng cảm và hiểu giáo viên để biết hoàn cảnh của các cô ra sao, điều các cô cần là gì. Nếu biết có giáo viên đang bức xúc với đồng nghiệp, gia đình, phải nhanh chóng có cách giải quyết để tránh trường hợp cô 'đổ' lên đầu trẻ.

'Tôi luôn nói rõ với giáo viên của mình rằng việc bạo hành, cả thể xác và tinh thần trẻ đều không được chấp nhận trong trường. Luôn nhắc điều đó và tạo tâm thế vui vẻ cho các cô. Nếu mệt mỏi và tâm trạng không tốt thì các cô có thể xin nghỉ, tôi sẵn sàng thay các cô tiếp quản buổi dạy hôm đó', chị Phương bộc bạch.

Để tạo ra những giá trị vô hình này, với chị Phương, đôi khi không cần làm gì quá to tát. 'Có một đồng nghiệp tiền nhiệm từng khuyên tôi rằng, mỗi ngày, chủ trường hãy ôm các cô giáo một cái, cười với các cô một chút, hỏi han các cô thêm vài câu để các cô được tiếp thêm sức mạnh và năng lượng tích cực để tiếp tục giữ lửa với nghề!'- nữ chủ trường chia sẻ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm