pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chỉ vì muốn “hơn chị hơn em”
Minh hoạ: vectorstock.com
Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê thuần nông. Người dân quanh năm lam lũ mà vẫn không đủ ăn, cái đói cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Vì thế, nhà nào cũng mong con học hành để thoát ly lên thành phố. Có người thoát ly thành công nhưng cũng có người chuốc lấy thất bại cay đắng. Lý do thì nhiều nhưng nhìn nhận lại chủ yếu là do cách nhập cuộc, tiếp cận và cách chọn hướng đi của mỗi người. Điển hình là cuộc thoát ly của 2 cô gái có tên Hương và Hà ở ngay sát vách nhà tôi.
Hương và Hà là đôi bạn thân "con chấy cắn đôi" từ nhỏ. Cả hai cùng chịu khó học hành, cùng chung chí hướng, mong ước trở thành kỹ sư, bác sĩ... Tốt nghiệp phổ thông, cả hai cùng thi đỗ vào những trường đại học danh tiếng ở Thủ đô. Ngày chuẩn bị lên trường nhập học, cả xóm tôi ai cũng đến chúc mừng, tiễn chân hai cô gái vừa dễ thương vừa học giỏi nhất làng. Cả hai đều hứa sẽ dốc sức học tập, làm việc để khi có điều kiện sẽ giúp đỡ bà con trong xóm.
Đúng như lời hứa, Hương lao vào học hành, những lúc rảnh rỗi lại đi làm thêm, vừa tích lũy kinh nghiệm vừa có tiền học thêm ngoại ngữ, tin học. Khi ra trường vừa đi làm vừa tiếp tục học văn bằng hai, Hương học lên thạc sĩ, tiến sĩ, rồi lập gia đình, sinh con. Cuộc sống xoay vần với gia đình, con cái và những kỳ thi liên tiếp, bậc sau khó hơn bậc trước nên đến chục năm sau, gia sản của Hương là những chồng sách vở cao lút đầu người.
Trong khi đó, Hà nhanh chóng nhập cuộc. Lúc đầu, Hà cũng chịu khó học hành. Thời gian rảnh cô đi làm thêm nhưng vì muốn nhanh được "bằng chị bằng em" nơi phố thị nên Hà đã đi làm gia sư cho các gia đình khá giả để "kết thân", tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ông chủ giàu có. Chẳng mấy chốc, Hà lọt vào "mắt xanh" của một ông chủ cửa hiệu thuốc Tây. Không chỉ cho Hà tham gia bán hàng, ông chủ còn kèm cặp, giúp Hà tiếp cận, làm giàu trong lĩnh vực này.
Vốn thông minh, nhanh nhạy, Hà nhanh chóng học được nhiều kinh nghiệm không mấy người có được ở ông chủ. Rồi khi ông chủ chuyển sang lĩnh vực khác với quy mô lớn hơn, ông ta đã "nhượng" lại cửa hiệu thuốc cho Hà. Từ đây, cuộc đời Hà đã bước sang trang mới.
Vậy mà, chỉ mươi mười lăm năm sau, những cuộc đi về quê của Hương và Hà dần trở nên trái ngược. Hương giờ đã có xe riêng, còn Hà đến chiếc xe máy cũng chẳng có mà đi. Hỏi ra mới biết, sau đận thi cử học hành, Hương tìm được việc làm tốt, có năng lực, bằng cấp đầy đủ nên được đề bạt, thăng tiến. Vì thế, cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn trên cơ sở nền tảng kiến thức, kinh nghiệm vững chắc.
Còn Hà, vì muốn "hơn chị hơn em" nên cô lại tiếp tục "kết thân" với một đại gia khác để mở rộng thị trường và lấn sân sang các lĩnh vực khác. Thật không may, lần này Hà không gặp được người tốt như trước. Được ông chủ mới "bơm" những lời đường mật, Hà không những dốc hết hầu bao, gia sản mà còn tìm đến bạn bè, người thân "vay nóng", mượn sổ đỏ nhà cửa của họ để thế chấp ngân hàng với lời hứa trả lãi suất hậu hĩnh. Kết cục, Hà bị vỡ nợ.