pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Chiến binh K" Trần Hà Yên viết văn học thiếu nhi từ những kỷ niệm với nghề giáo
Nhà thơ Trần Hà Yên
Trần Hà Yên là một "chiến binh K" đang phải đối mặt với những cơn đau tưởng có thể chết đi sống lại. Con đường đến với văn chương của chị là một hành trình dài của tình yêu, sự đam mê và nỗ lực vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để sống và viết.
Chị chia sẻ: "Tình yêu với văn chương đã bén rễ trong tôi từ những ngày còn thơ ấu. Ngày đó, tuy còn nhỏ nhưng tôi đã mê đọc sách lắm. Bất kể mua hay mượn của bạn bè một tác phẩm văn học nào đó, dù cuốn đó là thơ hay truyện, tôi đều ngốn ngấu đọc ngay, thèm sách hơn thèm ăn. Và theo năm tháng, tình yêu với văn chương trong tôi càng trở nên sâu nặng hơn.
Sau này, là một giáo viên THPT, công việc hàng ngày của tôi chủ yếu là những giờ lên lớp, giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Tôi không chỉ tìm thấy niềm vui khi tiếp xúc với sự hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng của các con, mà còn tìm thấy niềm vui khi cảm nhận được cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm văn học được chọn giảng trong nhà trường. Do đó, ngoài thời gian giảng dạy, tôi dành nhiều thời gian để viết lách như một cách bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc về nghề nghiệp, cuộc sống xung quanh mình".
Ban đầu, tác phẩm của Trần Hà Yên chỉ là những dòng nhật ký, những ghi chép nhỏ về những điều mắt thấy tai nghe, những tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy. Dần dần, những trang viết đó trở thành những câu chuyện, những bài thơ được chị trau chuốt hơn về nghệ thuật và gửi gắm những tâm trạng, cảm xúc của bản thân. Đặc biệt, những tác phẩm chị viết sau những tháng ngày nằm viện, đối diện tử thần, những trăn trở về thân phận, về cuộc sống… được nhiều độc giả, bạn văn chương đón nhận và đánh giá có màu sắc riêng.
Thời gian gần đây, Trần Hà Yên tạo nhiều dấu ấn với văn học thiếu nhi. Có thể thấy tình yêu con trẻ cũng như khả năng viết văn học thiếu nhi của chị qua 2 tập thơ Bác sĩ Chim Sâu, Từ vườn hoa nhà em và mới đây nhất là tập truyện ngắn đồng thoại Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo.
17 truyện ngắn trong Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo sử dụng thủ pháp đồng thoại, dẫn người đọc bước vào thế giới trẻ thơ. Ở thế giới ấy, những con vật như Thỏ Trắng, Sóc Nâu, Gấu Đỏ, Mèo Đen, Hươu Vàng, Gà Rừng, Nhím Nhỏ, Khỉ Con… đều có tính cách của những đứa trẻ tinh nghịch và hồn nhiên. Chúng kết bạn, vui đùa, học hỏi và khám phá theo sở thích cá nhân. Chúng cũng được thể hiện rõ từng nét cá tính của mình và lớn khôn dần từ những bài học nho nhỏ trong cuộc sống.
Không đao to búa lớn, gồng mình dạy dỗ, có lẽ kinh nghiệm hàng chục năm trên bục giảng giúp nhà thơ Trần Hà Yên nắm bắt tâm lý tốt để nhẹ nhàng tỉ tê, khéo léo lồng ghép những bài học cuộc sống vào tác phẩm của mình, để từ đó thấm rất khẽ vào lòng con trẻ.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn ghi nhận: "Kinh nghiệm tích lũy của một giáo viên dạy Văn giúp chị nắm bắt được tâm lý trẻ em, để viết những câu chuyện có sức rung động tâm hồn ngây thơ. Đọc tập truyện, không khó để phát hiện, phía sau giọng kể thủ thỉ và say mê là một trái tim ấm áp và một ánh mắt dịu dàng, từng ngày nhẫn nại làm bạn với tuổi nhỏ bằng tất cả sự cao thượng và bao dung".
Nhà văn Kao Sơn đánh giá cao tác phẩm Bí mật ngôi nhà bằng kẹo khi chia sẻ: Xuyên suốt tập truyện đồng thoại này, tôi nhận thấy kỹ năng viết truyện của Trần Hà Yên khá thành thục, câu văn linh hoạt và trong sáng. Những kỹ thuật cơ bản của văn xuôi như tạo tình huống, xây dựng chi tiết độc đáo, phù hợp với sở thích và tâm lý trẻ thơ… luôn được tác giả chú ý.
Nhà thơ Trần Hà Yên tên thật là Trần Thị Minh Hạnh, quê Quảng Ngãi, là hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Các tác phẩm đã xuất bản của chị: Mùa nắng hanh vàng (Thơ, NXB Văn học, 2016), Hát cho tình đã xa (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2017), Em và nỗi nhớ (Thơ, NXB Hội nhà văn, 2018), Giọt thời gian (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2022), Đi qua miền khát (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2023), Tia nắng mồ côi (Truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2023), Bác sĩ Chim Sâu (Thơ thiếu nhi, NXB Hội Nhà văn, 2023), Từ vườn hoa nhà em (Thơ thiếu nhi, NXB Văn học, 2024), Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (Truyện thiếu nhi, NXB Hội Nhà văn, 2024).