pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chiến lược của mẹ 9x giúp con nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách
Đa phần lúc nhỏ nếu được ba mẹ đọc sách cho nghe bé nào cũng sẽ rất mê. Vì thế giới xung quanh con rất ít thứ gây nghiện, trong trang sách lại có nhiều hình ảnh màu sắc, câu chuyện thú vị sao lại không mê. Nhưng chặng đường phía sau mới quan trọng, vì càng lớn con càng phải yêu sách khi không có hình, không màu sắc, đôi khi cả câu chuyện thú vị cũng không luôn, trong khi những thứ xung quanh lại quá lôi cuốn. Lúc đó vẫn yêu sách mới là niềm đam mê thực sự.
Cần khẳng định, đọc sách CỰC KÌ QUAN TRỌNG với con nhưng lại là vấn đề ít được xem trọng nhất. Nhìn nhận đúng về độ quan trọng của sách sẽ giúp chặng đường học tập và cuộc sống của các bé rực rỡ hơn. Và chuyện này chỉ có ba mẹ mới quyết định được là thành hay bại.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Trương Ngọc Dư Trâm (29 tuổi, sống tại TP.HCM) về những chiến lược giúp con nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách nhé.
ĐỌC SÁCH QUAN TRỌNG CỠ NÀO?
Mọi người thường xem thường hoặc chưa có cái nhìn đúng về mức độ quan trọng có lẽ vì không đọc sách cũng chẳng có tác hại gì, con vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh, vẫn lên lớp. Còn lợi ích thì không dễ nhận thấy.
- Nhìn một người uyên bác người ta nghĩ thông minh bẩm sinh.
- Nhìn một người thành công ta nghĩ kinh nghiệm thực tế, kiên trì, bản lĩnh.
- Nhìn một người có tâm hồn đẹp, sâu sắc người ta nghĩ bản tính con người.
Nhưng hãy để ý những người KHÔNG TẦM THƯỜNG, hầu như ai cũng đọc sách.
Khi con vào lớp 1, các bé thường không giữ được thói quen đọc sách (sách ở đây không phải sách giáo khoa) vì áp lực học tập. Cha mẹ tập trung vào học kiến thức trên trường, xem đọc sách là mất thời gian và không thấy lợi ích.
Đúng là đọc sách không có lợi ích ngay, các kiến thức từ sách sẽ được tích góp dần, nếu không đọc nhiều sách từ khi còn nhỏ sau này lớn hơn con sẽ không có đủ thời gian để tìm hiểu. Đến cấp 2, cấp 3 giá trị của thói quen đọc sách mới được phát huy.
Đọc nhiều sách cũng giúp bé tự tin hơn, có CHÍNH KIẾN vì nguồn kiến thức, hiểu biết dồi dào. Từ đó dễ dàng hình thành nhận thức. Không cần cha mẹ phải kè kè theo giảng đạo lý. Khi đọc sách trẻ cảm giác mình tự tìm hiểu khai phá thì con sẽ hứng thú tiếp nhận.
Còn tiểu thuyết, văn học kinh điển chính là nguồn thức ăn tinh thần giúp con nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn. Trong lúc đọc não sẽ tự vẽ ra những cảnh phim sống động dựa trên câu chữ, đây chính là một cách tuyệt vời để rèn luyện trí tưởng tượng, giúp con cảm nhận cuộc sống một cách sâu sắc, chi tiết, tỉ mỉ, không hời hợt.
ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, đọc càng nhiều khả năng viết càng giỏi. Mà khả năng viết nhất là viết luận lại là cách rèn luyện tư duy, khả năng lập luận, thuyết phục, logic, phát triển não bộ ĐỈNH CAO. Từ khi bắt đầu viết mình cảm thấy khả năng tư duy, hoạt động não nhạy bén hơn hẳn. Viết là cách bản thân hệ thống lại những kiến thức, kinh nghiệm lộn xộn trong não cực kì tuyệt vời.
TẠI SAO PHẢI CÓ CHIẾN LƯỢC GIÚP CON MÊ SÁCH
Ai lớn mới bắt đầu đọc nhiều sách như mình chắc chắn giai đoạn đầu sẽ trải qua tình trạng KHÔNG ĐỌC ĐƯỢC SÁCH.
- Không phải ai biết chữ cũng đọc được sách.
- Không phải ai đọc được sách cũng nắm được nội dung và kiến thức.
- Không phải ai nắm được nội dung sách cũng áp dụng được vào cuộc sống.
- Và không phải đọc sách, đọc truyện nào cũng tốt cho con.
CHIẾN LƯỢC CỦA MẸ ĐỂ NUÔI DƯỠNG NIỀM ĐAM MÊ ĐỌC SÁCH CỦA CON: KHƠI GỢI HỨNG THÚ
1. Giai đoạn đầu chỉ chọn sách con thích, không chọn sách hay
Muốn con đọc nhiều sách, trước tiên hãy chú tâm khơi gợi niềm yêu thích thật sự từ tâm của trẻ một cách tự nhiên. Bằng mọi cách tạo cho con cảm giác con làm vì con thích, không phải con làm vì ba mẹ thấy tốt.
Thay vì cân đo đong đếm quyển sách nào có nội dung hay, con học được gì thì mình chú tâm vào con thích gì. Ví dụ Tin thích xe mình sẽ mua sách có nhiều hình xe. Trẻ nhỏ thích hình ảnh và màu sắc thì chọn sách ít chữ thôi.
2. Biến sách thành quà tặng đáng mong đợi nhất
Nhiều phụ huynh hay treo phần thưởng khi con làm tốt một việc nào đó bằng những thứ con hay đòi hỏi. Ví dụ hôm nay con học giỏi mẹ cho xem tivi thêm giờ. Ăn giỏi mẹ cho viên kẹo hoặc que kem. Những thứ này bình thường ba mẹ hay cấm nhưng con giỏi thì sẽ được thưởng để con vui.
Nhìn sơ qua thấy hợp lý, nhưng có ai tặng quà mà tặng cái xấu đâu. Lời nói thì ba mẹ bảo xem tivi, kẹo, bánh là xấu nhưng hành động thì lại để con hiểu nó rất tốt.
Hãy biến sách thành món quà đặc biệt nhất. Cho dù thời gian đầu con chưa thật sự thân quen với sách thì ba mẹ vẫn cứ tỏ thái độ hân hoan, phấn khích khi con được tặng sách. Ví dụ:
- Hôm nay mẹ sẽ tặng con một món quà rất thú vị.
Đưa quà để con tự mở trong hồi hộp. Mở xong:
- (Vỗ tay) Ôi sách xe xúc, đã chưa... đẹp lắm đó, mẹ tìm mãi mới được cuốn sách này. Dạo gần đây Tin không la hét nóng giận nữa, giỏi quá nên mẹ tặng Tin đó. Thích không?
Để con tự cầm sách khám phá, xem hình đoán nội dung rèn luyện tính phán đoán, tưởng tượng. Đừng cố gắng đọc ngay cho con, cứ biện lý do là giờ mẹ bận con xem hình trước đi, đoán thử câu chuyện là gì rồi tối mẹ đọc xem đúng không.
3. Thiếu thốn là cách tốt nhất nuôi dưỡng đam mê
Mọi người để ý khi mình thích cái gì nếu thiếu thì cảm giác thích sẽ nhân đôi, nhân ba, mỗi khi có sẽ mừng cực kì. Tới khi có đầy ắp, chưa cần đã được đáp ứng thì tự nhiên bớt thích 50%.
Sách có thể mua cho con cả bộ nhưng tuyệt đối không bao giờ đưa cho con hết. Mang dần ra từng cuốn từng cuốn một.
Đừng mua nhiều sách mới, hãy để con đọc đi đọc lại một quyển sách cũ. Vì giai đoạn đầu mình đang tạo cho con niềm hứng thú với sách, chứ không phải muốn con học từ sách. Từ từ đừng gấp. Đọc đi đọc lại một quyển sách còn giúp con nhớ mặt chữ, nhớ nội dung. Nhận thức của con phát triển từng ngày nên mỗi lần đọc sẽ là một cảm nhận khác nhau, sâu sắc và cao cấp hơn.
Đồng thời, thay vì chỉ mua sách online thì khi rảnh nên rủ con đi nhà sách chơi với mẹ. Thường xuyên cho con đắm chìm vào môi trường đầy sách, để não con hình dung ra cuộc sống này sách là thứ thiết yếu như đồ ăn ấy. Và để con tự khám phá lựa chọn, đừng đồng ý mua cho con quá nhiều, mỗi lần đi nhà sách nên thương lượng và cho bé cân nhắc chọn 1, 2 cuốn trong số sách con muốn mua thôi.
4. Đọc sách là lợi ích không phải nghĩa vụ
Cái gì mà là nghĩa vụ là thấy nặng nề, cảm giác nặng nề rồi thì khó đam mê.
Đừng bao giờ suốt ngày kêu réo con đến đây mẹ đọc sách cho nghe nè... đừng để con biết mẹ thích con đọc sách lắm, mẹ đang đợi để đọc sách cho con, đọc sách với mẹ đi con ơi. Không bắt con dừng xem tivi hay việc gì con thích chỉ vì tới giờ đọc sách. Lúc đọc sách nếu con không tập trung, bắt đầu chán thì dừng đọc chuyển sang hoạt động khác, đừng cố ép con.
Và cũng đừng để con cảm thấy quá khó khăn để được đọc sách, cố gắng quá sức cũng dễ nản.
Chọn một khung giờ cố định ví dụ trước khi ngủ, thông thường chẳng đứa trẻ nào muốn đi ngủ sớm đâu. Khi kêu con đi ngủ mà con ỉ ôi năn nỉ chút nữa đi, thì mẹ cứ nói:
- Rồi, vậy mẹ đọc cho một cuốn sách rồi ngủ nhé.
Lựa chọn giữa cái mình ghét và cái mình chưa thích thì đương nhiên con sẽ rất mừng vì được chọn cái mình chưa thích.
Đến khi con bắt đầu có tình yêu đơn sơ với sách rồi thì sẽ có lúc muốn mẹ đọc sách cho nghe ngoài giờ buổi tối. Hãy để con phải năn nỉ để được mẹ đọc sách cho nghe. Lâu lâu mẹ cứ giả vờ một chút, bảo là mẹ bận giờ chưa đọc cho con được, thôi con chịu khó xem hình một mình đi. Một lúc sau mẹ sẽ bất ngờ bảo bé "mẹ xong việc rồi, con lấy sách đến đây mẹ đọc cho".
Diễn biến cảm xúc lúc này của con sẽ là: mong muốn, thất vọng vì không được, bất ngờ được đáp ứng. Niềm vui được đọc sách nhờ thế mà được phóng đại lên rất nhiều.
Ảnh: NVCC