Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030: Giải "bài toán" thuốc lá thế hệ mới

Minh Châu
09/11/2023 - 08:23
Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030: Giải "bài toán" thuốc lá thế hệ mới

Lực lượng Quản lý thị trường xử lý 1 vụ buôn bán thuốc lá thế hệ mới. Ảnh minh họa

Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe. Mục tiêu từ năm 2026-2030 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.

Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nhóm trẻ tuổi

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Mục tiêu của chiến lược là từ năm 2023 - 2025 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%; Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%; Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngoài ra, chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá. kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030: Giải "bài toán" thuốc lá thế hệ mới - Ảnh 1.

Mục tiêu từ năm 2023 - 2025 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%. Ảnh minh họa

Đặc biệt, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây được xem là nhiệm vụ trong tâm bởi thời gian gần đây, thuốc lá mới xuất hiện trên thị trường rất nhiều, đòi hỏi chúng ta phải có hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý.

Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết, nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.

Cũng theo bác sĩ Hải, hiện tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.

"Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do hiện tượng nữ hóa vị thành niên, thanh niên, người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá", bác sĩ Hải nói.

Thuốc lá thế hệ mới tràn lan, khó xử lý

Hiện nay, dù thuốc lá thế hệ mới chưa chính thức được phép nhập khẩu và lưu hành tại nước ta nhưng trên thực tế, các sản phẩm này vẫn đang được nhập lậu, xách tay và bày bán tràn lan trên thị trường một cách phi pháp, từ các trang mạng xã hội, sàn thương mai điện tử, đến các cửa hàng công khai trên phố.

Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo phi pháp, vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thì tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc và ảnh hưởng sức khỏe.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030: Giải "bài toán" thuốc lá thế hệ mới - Ảnh 2.

Phát hiện kho thuốc lá điện tử lớn tại tỉnh Bắc Ninh

Nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ là xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030. Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới.

Chia sẻ với báo giới, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường), cho biết, nhu cầu sử dụng thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam tăng nhanh. Năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần so với năm 2015. Tỷ lệ nhập lậu thuốc lá điện tử cũng cao hơn 9 lần so với thuốc lá làm nóng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan QLTT đã kiểm tra và xử lý 81 vụ, tịch thu 19.776 sản phẩm thuốc lá thế hệ mới và phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng. Đáng nói là trong số sản phẩm nêu trên có nhiều sản phẩm chứa chất ma túy mới. Tuy nhiên, do không có quy định, khung khổ pháp lý đối với thuốc lá thế hệ mới nên cơ quan QLTT đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề thuốc lá thế hệ mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã có 2 tờ trình báo cáo việc ban hành nghị quyết thí điểm chính sách quản lý loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu.

Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã có 2 lần làm việc, đang rà soát để thống nhất quan điểm hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới. Bộ Công Thương dự kiến đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá để quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn, dự kiến trình Thủ tướng trong quý 4 năm nay.

"Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận với quan điểm của Bộ Y tế theo hướng là cấm, để trình Thủ tướng theo hướng phù hợp với các văn bản pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp chiến lược quốc gia, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng và dung hòa quyền lợi của những người liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm