Từ một ngày lễ dành cho những người độc thân tại Trung Quốc, ngày 11/11 hàng năm đã trở thành ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm tại quốc gia này, với lời kêu gọi: mua sắm để khỏa lấp nỗi cô đơn.
Trong những năm gần đây, ngày lễ này đã lan ra nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Vào ngày này, hàng loạt doanh nghiệp, thương hiệu lớn trên thị trường Việt đã tiến hành các hoạt động tiếp thị hấp dẫn như giảm giá, tặng quà... nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Sôi động từ online đến offline
Khởi đầu là ngày mua sắm trực tuyến, nên ngay từ đầu tháng 11, các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… đã quảng bá rầm rộ các chương trình ưu đãi, với những khung giờ vàng giá sốc, miễn phí vận chuyển, trò chơi may mắn… để thu hút khách hàng tham gia mua sắm trước, trong và cả sau ngày lễ độc thân 11/11.
Sôi động không kém là ‘đội quân’ bán hàng online trên các trang mạng xã hội. Trong ngày hôm nay, hàng loạt những món hàng được các shop đưa ra mức giá hấp dẫn 11k, 111k, 1111k để thu hút khách hàng.
Không chỉ trên các trang bán hàng trực tuyến, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim cũng ăn theo ngày lễ độc thân 11/11 với nhiều ưu đãi.
Với các siêu thị, ưu đãi thường được áp dụng cho các mặt hàng như hóa mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang... được giảm giá đến 30%, với các combo đồng giá 111.000 đồng, ưu đãi mua 1 tặng 1 trong các khung giờ vàng…
Các cửa hàng điện thoại di động, điện máy… đang áp dụng chương trình giảm giá tới 50% cho các sản phẩm công nghệ, chương trình ‘săn’ điện thoại giá sốc chỉ 110.000 đồng, khuyến mãi hot sale, flash sale, trả góp ưu đãi lãi suất…
Ngày độc thân còn lại dịp các nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi tung ra các gói dịch vụ ‘thoát ế’; các ngân hàng áp dụng chính sách hoàn tiền, giảm giá, tặng phiếu mua hàng... cho chủ thẻ tín dụng để kích cầu mua sắm.
Chị em kém mặn mà mới ưu đãi ‘khủng’
Dù các chương trình giảm giá đang được áp dụng ở hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu, website mua sắm, nhưng theo ghi nhận của PNVN, đến đầu giờ chiều ngày 11/11, sức mua của người tiêu dùng vẫn không được như các doanh nghiệp kỳ vọng.
Chị Mai Anh (nhân viên công ty VNPT, phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) cho biết: Ngày giảm giá 11/11 đúng vào ngày thứ hai đầu tuần, công việc bận rộn, nên chị và nhiều chị em khác không có thời gian để vào các trang thương mại điện tử săn hàng giảm giá, hay đến các cửa hàng để mua trực tiếp sản phẩm. Hơn nữa, bây giờ các thương hiệu thường có chương trình khuyến mãi liên tục, sắp tới đây sẽ còn có nhiều dịp giảm giá như: tháng khuyến mại Hà Nội, Ngày thứ sáu đen - Black Firday, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday, nên không nhất thiết phải bằng mọi cách săn hàng trong ngày 11/11 này.
Chia sẻ với Báo PNVN, chị Phan Thu Loan (Q. Hai bà Trưng, Hà Nội) không khỏi bức xúc: Chị xem trên Facebook, thấy Lazada quảng cáo chiếc tivi LG UHD 4K 82 inch model 2019 sale khủng ngày mua sắm Singles' Day 11/11 chỉ có 12.999.000 đồng, nên gia đình chị đã thức đêm để canh đúng giờ mở bán. Nhưng ngay khi vào link bán hàng, chị đã thấy thông báo "hết hàng" và đề nghị ghi vào danh sách chờ. Chị Loan bày tỏ băn khoăn: Không rõ sản phẩm hết thật, hay đây chỉ là cách doanh nghiệp đưa ra để thu hút người dùng truy cập vào trang thương mại điện tử?
Trong các dịp khuyến mãi, nhiều ‘chiêu trò’ người bán đưa ra cũng gây nản cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm ưu đãi như trà trộn những mặt hàng kém chất lượng hoặc không rõ xuất xứ cùng với hàng chính hãng, tình trạng khuyến mại ảo, chậm giao hàng, giao không đúng món hàng đặt mua.