
Mũi Đại Lãnh được tạo ra nhờ dãy núi Đại Lãnh - một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển Đông. Mũi Đại Lãnh do một tướng người Pháp tên là Varella phát hiện ra vào cuối thế kỷ XIX. Varella đã nhận thấy vai trò quan trọng của Mũi Đại Lãnh trên hải đồ quốc tế. Chính vì vậy, trên bản đồ cũ nó được gọi là Cap Varella (Mũi Varella).


Dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê. Ở phía Tây của Bãi Môn có một con suối nước ngọt. Sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, con suối này chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ ra đại dương mênh mông.


Du khách đến với Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh sẽ trải nghiệm nhiều cảm giác thú vị, hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng hai dòng nước mát ngọt - mặn đan xen; sự thỏa mãn khi chinh phục tầm cao của ngọn hải đăng hay xa một chút là cột đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức các món hải sản biển nơi đây như: tôm, cua, cá, mực, hàu…

Để đến Mũi Đại Lãnh, từ trung tâm TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), du khách có 2 tuyến đường để đi. Thứ nhất, đi theo quốc lộ 1A, lên Đèo Cả, sau đó quẹo trái theo đường vào cảng Vũng Rô, đi qua khu dân cư, rồi theo đường lớn đi đến Mũi Đại Lãnh. Thứ hai, đi theo tuyến đường ven biển Phước Tân - Bãi Ngà.

Du khách nên đi theo tuyến đường thứ hai, vì khoảng cách tương đương với tuyến thứ nhất (khoảng 30km) nhưng cảm giác đi an toàn hơn, bởi không có nhiều xe lớn như khi đi theo quốc lộ 1A. Đặc biệt, tuyến đường này có khá nhiều cảnh đẹp, vừa đi đường du khách vừa ngắm cảnh và có thể dừng lại bên đường, vì không ai muốn bỏ lỡ cơ hội lưu lại những tấm ảnh tuyệt mỹ về thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vĩ nơi này.