pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính sách khuyến sinh của các quốc gia khi thế giới đang tiến đến "vực thẳm dân số"
Ảnh minh họa
"Lần đầu tiên trong lịch sử, con người không sinh đủ con để duy trì dân số. Nếu một người ở độ tuổi 55 hoặc trẻ hơn, họ đã sống qua thời kỳ dân số sụt giảm liên tục trong suốt cuộc đời mình, điều chưa từng xảy ra trong 60.000 năm, kể cả trong thời chiến tranh hay đại dịch". Jesus cho biết mặc dù dân số giảm nhẹ có thể mang lại lợi ích cho tính bền vững, nhưng nhân loại đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái dân số và tình trạng bất ổn kinh tế nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ sinh thấp hơn mức thay thế 2,1 - mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Jesus Fernandez-Villaverde, nhà kinh tế chuyên về nhân khẩu học tại Đại học Pennsylvania
Xu hướng chung
Năm 2023, Trung Quốc có tỷ lệ sinh dưới 1,0. Hiện hàng ngàn trường mẫu giáo trên khắp cả nước buộc phải đóng cửa và một số trường thậm chí đã được chuyển đổi thành cơ sở chăm sóc người già.
Để chống chọi với tình trạng già hóa dân số, vốn đang gây áp lực lên lực lượng lao động và quỹ hưu trí, từ năm 2025, Trung Quốc sẽ nâng tuổi nghỉ hưu cho nam giới từ 60 lên 63, với phụ nữ làm công việc văn phòng sẽ tăng từ 55 lên 58 và với lao động nữ làm việc đơn giản, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 50 lên 55.
Tại Nhật Bản, năm 2023 đánh dấu năm thứ tám liên tiếp tỷ lệ sinh giảm, trong khi số ca tử vong cao gấp đôi số trẻ em được sinh ra. Với tỷ lệ sinh chỉ 1,21, nhu cầu về các sản phẩm chống són tiểu cho người lớn đã vượt xa tã trẻ em. Ở làng Tarabu, một cộng đồng nhỏ với chỉ 12 hộ gia đình tại tỉnh Fukushima, năm 2023 đã chứng kiến sự kiện đặc biệt khi có một em bé chào đời sau 52 năm.
Hy Lạp là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất ở châu Âu, với một số ngôi làng không có ca sinh nào trong nhiều năm. Tại Ormenio, nơi từng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, hiện hai phần ba trong số 300 cư dân đã trên 70 tuổi. Nicholas, cậu bé 13 tuổi duy nhất trong làng, thường dành phần lớn thời gian cuối tuần để chơi điện tử một mình. Trước vấn đề dân số suy giảm và thiếu hụt lao động, Hy Lạp hiện khuyến khích người dân làm việc 6 ngày/tuần.
Tại Vương quốc Anh, một số khu vực đang chứng kiến tỷ lệ sinh thấp nhất trong gần 90 năm, chỉ còn 1,44 ở Anh và xứ Wales. Mặc dù không thiếu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 44, nhưng nếu tỷ lệ sinh này không được cải thiện, Anh có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai gần, gây áp lực lên nền kinh tế và có thể thúc đẩy nhu cầu nhập cư để đáp ứng thị trường lao động.
Hàn Quốc, Singapore, Úc, Mỹ, Nga, Ý, Đức, Hungary,… cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự, mặc dù mức độ nghiêm trọng khác nhau. Tại Hàn Quốc, một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, tỷ lệ sinh giảm xuống chỉ còn 0,72 vào năm 2023, giảm gần 8% so với năm trước đó đó. Dữ liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc dự đoán đến năm 2072, chỉ có 6,6% dân số là người trẻ, trong khi người già sẽ chiếm tới một nửa dân số của quốc gia này.
Các chính sách khuyến sinh
Khi phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, được tự do hơn và có quyền tiếp cận dễ dàng hơn với các biện pháp tránh thai, tỷ lệ sinh tự nhiên giảm xuống. Nhưng làm thế nào để khuyến khích họ sinh thêm con? Có phải giải pháp là giảm chi phí chăm sóc trẻ, làm việc linh hoạt hơn, hỗ trợ nhiều hơn từ nam giới, giá nhà ở rẻ hơn?
Ở Trung Quốc, hội đồng nhà nước đã kêu gọi nỗ lực xây dựng "một nền văn hóa hôn nhân và sinh con mới", nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh con, kết hôn đúng tuổi và chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái. Các biện pháp như bảo hiểm thai sản, nghỉ thai sản, trợ cấp trẻ em và nâng cấp nguồn lực y tế đã được đưa ra. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn thiết lập ngân sách cho các trung tâm chăm sóc trẻ em và ưu đãi thuế cho các dịch vụ này.
Nhật Bản từ lâu đã "chạy đua" để đảo ngược tỷ lệ sinh thấp bằng các chính sách hỗ trợ sinh đẻ như trợ cấp, miễn phí nhà trẻ, đảm bảo việc làm và hỗ trợ điều trị sinh sản. Năm nay, Thủ tướng Fumio Kishida đã triển khai một chương trình khác nhằm tăng tỷ lệ sinh, mở rộng trợ cấp hàng tháng cho tất cả trẻ em dưới 18 tuổi bất kể thu nhập, miễn học phí đại học cho các gia đình có ba con và chế độ nghỉ thai sản được hưởng trọn lương cho cha mẹ. Tại Tokyo, chính quyền cho ra mắt ứng dụng hẹn hò do chính phủ điều hành để khuyến khích hôn nhân.
Tại Hungary, với tỷ lệ sinh 1,5, Thủ tướng Viktor Orban đã thúc đẩy một trong những chương trình khuyến sinh tham vọng nhất của châu Âu. Năm ngoái, ông đã mở rộng lợi ích về thuế cho các bà mẹ để phụ nữ dưới 30 tuổi có bốn con được miễn thuế thu nhập cá nhân trọn đời.
Nga ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất trong 25 năm qua, tính đến giữa năm 2024. Điện Kremlin đã cố gắng can thiệp để tăng tỷ lệ sinh bằng cách giảm thuế và mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em cho các gia đình có thu nhập thấp. Tổng thống Putin đã nhiều lần kêu gọi tăng dân số Nga, nói rằng "nhiệm vụ lịch sử" của người Nga là ứng phó với cuộc khủng hoảng dân số.
Các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Na Uy, có các chính sách khuyến sinh hào phóng. Tại Na Uy, cha mẹ mới có một năm nghỉ phép nuôi con hưởng 100% lương hoặc khoảng 14 tháng với mức lương 80%. Ngoài ra, chính sách cũng được thiết kế để thúc đẩy bình đẳng giới khi hơn ba tháng nghỉ phép được dành riêng cho các ông bố. Người mẹ cũng được nghỉ một giờ tại nơi làm việc để cho con bú hoặc hút sữa.
"Hãy nhìn vào những con số. Nếu mọi người không sinh nhiều hơn, văn minh nhân loại sẽ sụp đổ", dựa trên một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet vào tháng 3. Nghiên cứu này, do Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington thực hiện, dự đoán đến năm 2100, 97% các quốc gia sẽ có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế, và chỉ sáu quốc gia có đủ trẻ em để duy trì dân số ổn định: Chad, Niger và Somalia ở châu Phi, Samoa và Tonga ở Thái Bình Dương, cùng Tajikistan ở Trung Á".
Tỷ phú Elon Musk, cha của 12 người con