Cho 2 thứ này vào nước đậu đen là phá hỏng tác dụng giải nhiệt, bồi bổ

LÊ PHƯƠNG.
25/06/2022 - 14:20
Khi chế biến và sử dụng nước đậu đen, rất nhiều người có thói quen cho thêm đường hoặc nghĩ uống nhiều sẽ giải được nhiệt...Tuy nhiên, đây đều là những sai lầm, gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Nước đỗ đen (đậu đen) được rất nhiều người sử dụng, mục đích là để giải nhiệt, xua tan đi cái nóng trong mùa hè. Đậu đen cũng là loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao, ngoài nấu nước uống còn rất nhiều công dụng khác với sức khỏe.

Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y TP Hà Nội) cho biết, đậu đen được trồng nhiều và thu hoạch vào mùa hè, có thể bảo quản để dùng quanh năm. Trong đông y, đậu đen có vị ngọt, tính mát, có tác dụng trừ phong nhiệt, giải độc, hạ khí, lợi niệu… Đậu đen có thể dùng riêng biệt để nấu nước uống giải nhiệt, hoặc kết hợp cùng vị thuốc khác để hỗ trợ điều trị một số bệnh, trong đó có liệt dương, chống bạc tóc…

Các nghiên cứu khoa học hiện đại cũng cho thấy, trong 100 gam đậu đen chứa hàm lượng cao protein 24,4 gam, lipid 1,7 gam, glucid 53,3 gam và rất nhiều axit amin thiết yếu. Ngoài ra, đậu đen còn có rất nhiều vitamin quan trọng như vitamin A 5mg, B1 0,5mg, B2 0,21mg.

Rang đậu đen trước khi nấu sẽ tốt hơn là nấu trực tiếp khi còn tươi. (Ảnh minh họa)

Thêm một bước trước khi nấu đậu đen sẽ tốt hơn

Với thói quen nấu nước đậu đen uống giải nhiệt mùa hè, lương y Bùi Đắc Sáng cho biết đa số mọi người nấu theo kinh nghiệm, đó là nhặt và rửa sạch, ngâm qua với nước rồi đun cho đến khi mềm hạt đậu. Cách nấu này về cơ bản không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, trừ một số trường hợp có tiền sử tiêu chảy, lạnh bụng.

Để tốt nhất cho sức khỏe, lương y Đắc Sáng khuyên mọi người trước khi nấu nên rang trước đậu đen. Sở dĩ vậy vì đậu đen có tính hàn, có thể gây một số tác dụng phụ với cơ thể. Rang trước khi nấu giúp giảm tính hàn của đậu, tránh gây lạnh bụng, tiêu chảy khi uống nhiều, loại bỏ được mùi hơi tanh và hắc của đậu...

Hai điều tuyệt đối tránh khi uống nước đậu đen

- Cho thêm đường và đá: Lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, người dân khi nấu nước đỗ đen thường có thói quen cho thêm đường và đá để sử dụng nhằm tạo vị ngọt và giúp đồ uống lạnh, mát hơn. Đây là thói quen xấu với sức khỏe và tốt nhất không nên thực hiện. Ông Sáng cho rằng, bản chất đỗ đen đã có tính mát, có khả năng giải độc tốt vì thế khi nấu chín, chỉ cần để nước đậu đen nguội là có thể sử dụng được, không cần cho thêm bất cứ thứ gì.

Uống nước đậu đen nguyên chất, không cho thêm đường và đá vẫn giải nhiệt, lại tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa) 

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết thêm, không chỉ nước đậu đen, với rất nhiều đồ uống giải nhiệt mùa hè người dân thường có thói quen cho thêm đường trước khi uống. Không phủ nhận việc cho đường tạo vị ngọt, có thể dễ sử dụng hơn nhưng thói quen đó có thể mang lại tác dụng ngược.

Nếu dùng quá nhiều đường, khi đó chè đậu đen không còn là đồ uống giải nhiệt nữa, vì đường ngọt sẽ làm tăng nhiệt, khiến cơ thể sẽ nóng hơn. Ngoài ra, ăn nhiều đường sẽ gây tăng đường huyết, gây tích mỡ, thừa cân và béo phì. Chính vì vậy, tốt nhất không nên cho đường vào nước đậu đen.

- Uống thay nước: Theo lương y Bùi Đắc Sáng, nước đậu đen chỉ nên coi là đồ uống thưởng thức, giải khát không nên uống thay nước lọc. Dù đậu đen tốt nhưng nếu sử dụng thường xuyên vẫn để lại nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Tuyệt đối không dùng nước đậu đen để uống thay nước lọc hàng ngày. (Ảnh minh họa)

TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) từng chia sẻ, việc dùng nước đỗ đen uống thay nước lọc sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Trong đỗ đen có chứa nhiều chất phytate gây cản trở hấp thụ các chất khoáng khác như đồng, kẽm… ức chế một số enzyme tiêu hóa. Đặc biệt, với trẻ nhỏ khi không được bổ sung đủ vi chất dễ dẫn tới biếng ăn, suy dinh dưỡng và thấp còi.

Bác sĩ Nga khuyến cáo, với trẻ dưới 2 tuổi cần cẩn trọng trong việc cho sử dụng nước đậu đen. Chức năng tiêu hóa của trẻ chưa ổn định, khả năng hấp thụ cũng kém hơn nên dễ bị ảnh hưởng, nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn; nặng hơn có thể gây ra một số bệnh về đường ruột.

Ngoài ra, những người có cơ địa ở thể hàn, hay tiêu chảy, người đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh, người bệnh thận, người huyết áp thấp cũng không nên sử dụng nước đậu đen.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm