pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cho con chưa đủ tuổi lái xe, cha mẹ đối diện rủi ro pháp lý

Ảnh minh họa: MH
Trên nhiều tuyến đường nội ô, ven đô, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc: học sinh mặc đồng phục đi xe máy lao vun vút trong giờ tan học. Tuy nhiên, điều ám ảnh sau những "cuộc đua" vô tình đó là mối nguy hiểm rình rập chính các em và nhiều người xung quanh.
Những bài học đắt giá
Mới đây, tại Hà Nội, một học sinh lớp 8 điều khiển xe máy đi ngược chiều trên đường Nguyễn Trãi và va chạm với một xe buýt khiến em này tử vong tại chỗ. Điều tra cho thấy chiếc xe do chính cha mẹ em để sẵn chìa khóa và không kiểm soát việc sử dụng. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận bởi mức độ nguy hiểm và câu hỏi lớn về trách nhiệm của phụ huynh.

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám Đốc điều hành của công ty luật TNHH Anh Ninh ((Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Tại TPHCM, một nữ sinh lớp 9 đã điều khiển xe SH 125cc đi đón bạn và xảy ra va chạm với xe ô tô tại vòng xoay. Dù chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng vụ việc khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng và gây hoang mang khi biết người điều khiển chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe.
Dẫn chứng một vụ việc khác, Luật sư Đặng Thành Chung - Giám Đốc điều hành của công ty luật TNHH Anh Ninh ((Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Gần đây, một vụ việc tại tỉnh X. khiến dư luận không khỏi lo ngại: một nam sinh lớp 9 trên đường đi học thêm điều khiển xe Wave đã va chạm với một người đi bộ khiến nạn nhân bị thương nặng.
Được biết, chiếc xe do cha mẹ em mới mua tặng nhân dịp "vào cấp 3" để tiện cho việc đi lại. Vụ va chạm để lại hậu quả đau lòng và nhiều hệ lụy pháp lý khi gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường, cơ quan chức năng vào cuộc.
Rõ ràng, việc cho con sử dụng phương tiện giao thông không phù hợp độ tuổi không chỉ là hành động xem nhẹ an toàn mà còn có thể đẩy cả gia đình vào vòng lao lý. Sự chủ quan, nuông chiều hay suy nghĩ "ai cũng vậy" của một số bậc phụ huynh có thể phải trả giá bằng cả danh dự, tài sản và thậm chí là tự do.
Trước khi trao chìa khóa xe cho con, phụ huynh cần tự hỏi: Con đã đủ tuổi, đủ điều kiện và đủ an toàn để cầm lái chưa? Nếu câu trả lời là chưa, thì hãy dừng lại trước khi quá muộn. Giáo dục ý thức tham gia giao thông cho con trẻ là một việc quan trọng, nhưng phải song hành với việc tuân thủ pháp luật. Đừng để một quyết định tưởng chừng đơn giản lại trở thành nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy nặng nề cho cả gia đình.
Theo Luật sư Đặng Thành Chung, đây không phải trường hợp hiếm gặp. "Tưởng là tiện, hóa ra tai họa. Trước khi trao chìa khóa, cha mẹ cần nghĩ đến hậu quả", Luật sư Trung nhấn mạnh.
Pháp luật Việt Nam quy định rõ: theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, người điều khiển xe mô tô phải đủ 18 tuổi và có giấy phép lái xe hợp lệ. Hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái vẫn bị xem là vi phạm pháp luật, bất kể quãng đường ngắn hay ý định "tập dần cho quen".
Giao xe sai luật, cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Luật sư Đặng Thành Chung phân tích: khi để con làm việc gây tai nạn, trách nhiệm không chỉ thuộc về con mà cha mẹ - người giao xe cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cụ thể, về trách nhiệm hành chính, đối với trẻ từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô dung tích trên 50cm3 hoặc có công suất trên 4 kW, mức phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng. Còn cha mẹ giao xe bị xử phạt từ 8 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.

Hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái vẫn bị xem là vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa
Về trách nhiệm hình sự, trong trường hợp tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, con có thể bị truy cứu về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ (theo Điều 260 BLHS 2015), khung hình phạt lên tới 15 năm tù. Trong khi đó, cha mẹ có thể bị xử về tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264), khung phạt từ 10 triệu đồng đến 7 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, gia đình phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản (nếu có) cho bên bị hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
"Trước khi giao chìa khóa, hãy nghĩ đến hậu quả", Luật sư Chung không giấu sự lo ngại. Chỉ vì sự nuông chiều, bốc đồng hay muốn "tiện lợi", nhiều bố mẹ đang vô tình đẩy con vào nguy hiểm, và chính mình đối diện rủi ro pháp lý. Luật sư cũng cho biết, trong nhiều hồ sơ ông đã tư vấn, rất nhiều gia đình rơi vào vòng lao lý chỉ vì cho con mượn xe. Từ một chuyện nhỏ, hậu quả có thể trở nên rất lớn.

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh vi phạm Luật Giao thông.
Phụ huynh cần ý thức rõ ràng rằng, việc đào tạo ý thức tham gia giao thông cho con rất cần thiết, nhưng không được đặt lên trên quy định của pháp luật. Hãy bắt đầu từ việc giải thích cho con về độ tuổi lái xe, quy định pháp luật và nguy cơ xảy ra tai nạn. Khi con đủ điều kiện, có thể cho tập lái, học luật đúng quy trình, đảm bảo an toàn.
Trong một xã hội với mật độ giao thông cao như Việt Nam, sự thận trọng khi giao xe cho con trẻ không chỉ là yêu thương, mà còn là trách nhiệm với xã hội, với pháp luật và với chính tương lai của gia đình mình.