Chờ một vệt nắng Sài Gòn

Hải Linh
25/05/2020 - 23:15
Chờ một vệt nắng Sài Gòn

Chờ một vệt nắng Sài Gòn

Là người dân Bắc, nhưng Sài Gòn trong tôi có những dư vị đặc biệt ngay từ ngày đầu tôi ngơ ngác đặt chân đến mảnh đất này. Sau này, những ngày tháng bất an, mệt mỏi nhất, tôi cũng tìm về Sài Gòn để được tận hưởng những giây phút an yên nhất, để ngày mai tôi lại đủ mạnh mẽ, kiên cường hơn đối mặt với bao thử thách của cuộc đời.

Sài Gòn trong tôi lạ lắm, nó ấn tượng mạnh với tôi có lẽ cũng bởi những năm tháng tôi chông chênh nhất, bất an và mỏi mệt nhất, lại chính là quãng thời gian bố mẹ tôi sinh sống ở Sài Gòn. Chẳng hiểu vì sao, mỗi ngày quay cuồng với cuộc sống bon chen ở Hà Nội, tôi lại cứ ngóng từng chuyến bay để về Sài Gòn với bố mẹ. Tôi trốn con, tìm về với bố mẹ ngày cuối tuần chỉ để có được một buổi sáng yên ả, được ngủ nướng thêm vài chục phút. Để khi những vạt nắng nhè nhẹ chiếu qua cửa sổ, bố tôi gọi khẽ: "Con vịt của bố, dậy ăn sáng cùng bố mẹ thôi nào".

Chờ một vệt nắng Sài Gòn - Ảnh 1.

Mỗi ngày quay cuồng với cuộc sống bon chen ở Hà Nội, tôi lại cứ ngóng từng chuyến bay để về Sài Gòn với bố mẹ. (Ảnh minh hoạ)

Tôi đã lớn, đã có gia đình, đã làm mẹ của những đứa con, nhưng nghe tiếng bố gọi đầy yêu thương như hồi còn bé, tôi lại cố lăn bên trái, sang bên phải thêm lúc nữa mới mở mắt được. Ăn sáng xong, mẹ rủ tôi đi chợ cùng. Đến những hàng thịt, hàng cá, hàng rau quen thuộc của mẹ, mẹ đều giới thiệu với bà chủ sạp hàng đầy tự hào: "Con gái mới ở Hà Nội vào".

Mọi ngày, bố mẹ tôi ăn bữa cơm đạm bạc lắm, nhưng có con gái về, mâm cơm của mẹ bao giờ cũng đầy ắp đồ ăn tươi ngon. Mẹ bảo: "Ở trong này tôm cá tươi ngon lắm. Bố mẹ già rồi ăn nhiều vào lại bệnh tật, nên con phải ăn cho hết. Mai con về Bắc rồi, không ai ăn hộ con được đâu".

Chỉ có 2 ngày cuối tuần ngắn ngủi, nhưng cũng đủ cho tôi được vùi mình vào giấc ngủ ngon, đủ tìm thấy chốn bình yên chắc chắn trong tình yêu thương vô bờ của bố mẹ. Căn nhà nhỏ bình dị chỉ cần có bố mẹ là tôi thấy ấm áp, đủ tiếp cho tôi thêm sinh lực để tiếp tục đối mặt với cuộc sống đầy bão gió ngoài kia.

Vẫn là những thói quen từ đất Bắc của tôi, hễ bắt gặp một nhành hoa đẹp đẽ bên đường là tôi giơ điện thoại lên xoay xoay, bấm bấm để lưu lại khoảnh khắc của các loài hoa. Lúc chụp xong, khi tôi thoả mãn với thú vui của mình thì bất ngờ bởi đứng chắn ngay sau lưng tôi là nụ cười rất nhẹ của người ấy. Khi đã trèo lên xe yên vị rồi, người ấy bảo: "Lần sau nàng nhớ cẩn thận chút nghen. Nếu nàng cứ mải chụp choẹt vậy mà không có ai, dễ tạo cơ hội cho bọn cướp nhào lên tận vỉa hè này mượn giùm cái điện thoại của nàng chỉ trong nháy mắt thôi".

Vậy là để người ấy không phải lo lắng xách chiếc túi nhỏ hộ tôi mỗi khi ra đường cho an toàn, cũng từ dạo đó, tôi không mang vào Sài Gòn những túi xách nhỏ, ba lô nhỏ hay các loại dây dợ trang trí và đồng hồ trên người nữa. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn mang văn hoá cẩn thận khi ra đường của Sài Gòn ra đất Bắc. Mỗi khi ra đường, tôi cất điện thoại vào cốp xe mà chẳng hề sốt sắng nếu có ai đó gọi tìm mình. Lúc đi ô tô cũng không online, chỉ nghe điện khi có việc thật cần thiết. Mọi dây đeo trang trí trên người với tôi giờ bỗng thành vướng víu làm sao.

Ngay cả khúc ruột thừa dở chứng bất thường, tôi cũng vô tình đem vào Sài Gòn mới đi cấp cứu mổ gấp sau 3 ngày đau bụng âm ỉ, như thể cố tình tận hưởng thêm những ngày được bố mẹ chăm sóc, nâng niu.

Tôi than thở với người ấy chuyện bị đau bụng rất khó chịu. Sau một hồi hỏi han, người ấy bảo có lẽ nàng bị đau ruột thừa. Người ấy liên tục động viên, giục giã tôi phải đi viện khám ngay và bị giữ lại mổ ruột thừa cấp cứu. Trong cơn mê bởi ca mổ kéo dài tới hơn 2 giờ đồng hồ, từ cõi hư ảo xa xôi lắm, tiếng người ấy loáng thoáng gọi: H. ơi, dậy thôi nào. H. ơi… Ngỡ như tiếng người ấy gọi, tôi phải bật dậy, phải thưa lại…. , nhưng miệng tôi cứng đơ, mắt vẫn không tài nào mở nổi.

Chờ một vệt nắng Sài Gòn - Ảnh 2.

Chỉ có 2 ngày cuối tuần, nhưng cũng đủ cho tôi được vùi mình vào giấc ngủ ngon, đủ tìm thấy chốn bình yên chắc chắn trong tình yêu thương vô bờ của bố mẹ. (Ảnh minh hoạ)

Sau đó vài phút tôi tỉnh dần, chẳng phải người ấy nào cả, đó là giọng dịu dàng của anh bác sỹ trực ca mổ cho tôi. Cánh cửa phòng mổ bật mở, gương mặt mừng rỡ của mẹ gọi tên tôi và vội vã chạy theo xe đẩy đưa tôi về phòng hậu phẫu.

Tôi có thể lên chuyến bay sớm hơn để về Hà Nội, nhưng tôi vẫn mua vé chuyến sau nữa để ngồi lâu hơn ở đất Sài Gòn. Lên máy bay rồi, nhìn qua ô cửa sổ nhỏ là những cơn mưa mùa hạ của Sài Gòn táp vào ô cửa. Máy bay cất cánh, tôi chợt nao lòng như vừa đánh rơi thứ gì đó, như tôi đã để vuột mất thứ gì đó chẳng bao giờ tìm lại. Gương mặt tôi méo xẹo, một giọng đàn ông cất lời ấm áp: "Em nhớ Sài Gòn nhiều lắm phải không? Em không muốn rời khỏi nơi này à?". Tôi khẽ liếc đôi mắt ươn ướt nhìn người bạn đồng hành xa lạ, không nói gì.

Chẳng hiểu tôi đã để nước mắt rơi bao lâu, bởi mỗi lần tôi rời Sài Gòn về lại với những bon chen, chông chênh của cuộc sống đều trong sự nuối tiếc và mong manh. Vẫn giọng người bạn đồng hành mới rủ rỉ: "Em vào Sài Gòn công tác hay đi chơi?" "Em thăm bố mẹ, bố mẹ em sống ở đây" - tôi đáp. "Bố mẹ em còn khoẻ không?" "Dạ bố mẹ em khoẻ" - tôi trả lời cho xong. "Vậy ra Hà Nội rồi, hôm nào rảnh lại vào với bố mẹ thôi mà"… Anh - Người bạn mới quen còn nói gì đó về công việc của anh ở Sài Gòn, nhà cũng ở Hà Nội, nhưng tôi không nhớ nổi. Bởi trong tôi vẫn mông lung lắm, vẫn nghẹn ngào chờ mãi một vệt nắng rất nhẹ của Sài Gòn.

Vẫn giọng trầm ấm của anh: "Mỗi ngày em nên làm quen với 3 người lạ. Thật mà, em cứ thử xem, sẽ có rất nhiều điều thú vị. Anh đã thử rồi, hay lắm đấy". Tôi bật cười kiểu dỗ dành cho trẻ nít của người lạ. Anh cũng cười: "Đấy, em cứ cười tươi như thế sẽ xinh hơn. Nhớ nhé, mỗi ngày làm quen 3 người mới, để mỗi ngày có thêm nhiều niềm vui nghe em"…/.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm