Ánh sáng nhân ái
Câu chuyện về việc hiến giác mạc của bé Hải An đã lay động tâm thức nhiều người Việt năm 2018. Hải An kém may mắn khi mắc phải căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Đây là căn bệnh vô cùng hiếm gặp ở trẻ em. Mẹ của bé, dù là 1 bác sĩ nhưng cũng đành bó tay trước sự ác nghiệt của số phận. Trong thời gian chữa trị căn bệnh, Hải An đã trao đổi với mẹ về việc muốn hiến giác mạc cho những bệnh nhân đang cần ánh sáng sau khi bé qua đời.
Nguyện vọng của Hải An khiến nhiều người xúc động. Hai bệnh nhân được ghép giác mạc sau đó là bà cụ 73 tuổi và nam bệnh nhân 42 tuổi đã có đáp ứng tốt sau ca mổ. Họ xuất viện về, địa chỉ đầu tiên ghé thăm chính là qua nhà Hải An, đứng trước di ảnh của cô bé để thắp nén nhang tri ân. Nghĩa cử của Hải An sau đó được nhiều người noi gương.
Bình thường, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chỉ có 1-2 người tới đăng ký. Nhưng sau “sự kiện Hải An” thì nơi này đã có cả chục người xin đăng ký hiến tạng. Mẹ của Hải An cũng đã đăng ký hiến toàn bộ nội tạng. Sự lan tỏa ấy là ánh sáng nhân ái, chứa đựng những điều tử tế trong cuộc đời, để “sống là cho mà chết cũng là cho”.
Trái tim yêu thương
Đầu năm 2018, ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thành công đã mở ra cánh cửa hy vọng trong ngành ghép tạng Việt Nam. Người hiến tạng là thiếu tá quân đội Lê Hải Ninh, quê tại Yên Mô, Ninh Bình. Và người đưa ra quyết định ấy chính là vợ của anh, chị Tạ Thị Kiều.
Trong nỗi đau quá lớn, người phụ nữ dũng cảm và nhân ái ấy đã mong muốn chồng mình dù ra đi rồi nhưng vẫn cứu được nhiều người khác. Dù anh đã tạm biệt dương gian mà trái tim vẫn còn đập. Hình ảnh chị Kiều chạm tay vào chồng, nói những lời chia sẻ với anh khi xe đẩy anh vào phòng mổ đã khiến nhiều bác sĩ rơi lệ.
Khoảnh khắc bi thương và bản lĩnh ấy của người vợ chiến sĩ như chạm khắc vào những trái tim hằng ngày tưởng như đã chai sạn với các bi kịch của nhân viên ngành y tế. Từ nguồn đa tạng hiến của anh Ninh, việc ghép tim, 2 giác mạc và 2 thận đã được thực hiện thành công cho 5 bệnh nhân ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Người chiến sĩ và các bệnh nhân đã cùng được tái sinh từ trái tim yêu thương và sự nhận thức văn minh của người phụ nữ bé nhỏ.
Đến cuối năm 2018, suối nguồn nhân ái tiếp tục được nối dài với câu chuyện đầy xúc động của bệnh nhân chết não Dương Hồng Quý (trú tại Ninh Bình) đã hiến tạng cứu 6 người, khiến mọi người vững tin vào những điều tử tế còn hiện hữu.
Xã hội mỗi ngày một phát triển chính từ tư duy của con người. Sự hy sinh của người phụ nữ trong gia đình hiện không còn là nỗi cam chịu thầm lặng mà đã mang ý nghĩa rộng hơn. Họ được trang bị các kiến thức và sự hiểu biết để đem sự hy sinh ấy ra cộng đồng và xã hội. Người phụ nữ đã biết sống tốt cho bản thân, cho những người xung quanh.
Dù cho đã có rất nhiều sự kiện và bao câu chuyện buồn diễn ra nhưng cuộc đời vẫn là những chuỗi ngày phía trước. Ở đó có đôi mắt sáng của bé Hải An, có trái tim, thận, phổi của anh bộ đội Lê Hải Ninh, có biết bao người khác đã âm thầm đăng ký hiến tạng để sự sống luôn được tiếp diễn. Nếu vẫn có sự nối dài của việc hiến tạng, con người đã xóa nhòa được ranh giới giữa người thân – người lạ và tiệm cận được tới khái niệm “bất tử”.
Nhiều năm qua, Báo Phụ Nữ Việt Nam đã tổ chức Chương trình Mottainai Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc gây tiếng vang trong cộng đồng, xã hội. Những đồ vật không dùng nữa của người khác vẫn có ích khi tới được tay những người đang cần. Và toàn bộ nguồn quỹ vận động được từ Chương trình thiện nguyện này đều được trao đến các mảnh đời trẻ em bất hạnh tại các nhà mở, mái ấm và trẻ bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông.
Sự nối kết ấy đã khắc sâu thêm từ NHÂN ÁI trong cuộc đời, vì cộng đồng. Để bên cạnh những giọt nước mắt, vẫn luôn là những nụ cười tươi tắn cho một ngày mới nắng lên...