Cho phép dùng tài sản công để thanh toán các dự án theo hình thức BT

16/08/2019 - 20:33
Từ ngày 1/10/2019, việc thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) sẽ được sử dụng bằng cả tài sản công.
Đó là nội dung đáng chú ý trong Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được Bộ Tài chính thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề chiều 16/8 tại Hà Nội.
 
hopbao.jpg
Buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức.

 

Cụ thể, tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT gồm có quỹ đất, đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị), tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tài sản kết cấu hạ tầng), các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
 
Phát biểu tại buổi họp báo, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, việc thanh toán dự án BT bằng tài sản công phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách Nhà nước.
 
“Quá trình chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải theo hình thức đấu thầu và chỉ được thực hiện sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho hợp đồng BT thì việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT thực hiện theo quy đinh của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan”, ông Thịnh nói.
 
lavanthinh.jpg
Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2019, thay thế cho Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng ký ngày 26/6/2015.

 

Đáng chú ý, đối với trường hợp xử lý chuyển Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán; được xác định như sau: Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
 
Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, cụ thể: Đối với tài sản công thuộc trung ương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách trung ương; đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách địa phương.
 
Thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời điểm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư. Ngoài ra, thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.
 
Khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ, chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho nhà đầu tư.
 
Việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng…
 
Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2019, thay thế cho Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng ký ngày 26/6/2015.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm