Chờ Sở Tư pháp báo cáo, số phận gần 600 giáo viên dôi dư ở Đắk Lắk vẫn bị “treo”

04/04/2018 - 15:13
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tỉnh vẫn chưa có phương án giải quyết số giáo viên dôi dư ở huyện Krông Pắk, với lý do “chưa có đủ báo cáo của các sở, ngành liên quan”.

Ông Hà cũng nói rằng, thời gian qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các sở ngành liên quan gửi báo cáo, tham mưu hướng xử lý. Hiện các sở, ngành như GD-ĐT, Nội vụ, Tài chính... đã có văn bản, báo cáo tham mưu theo lĩnh vực của mình. Tuy nhiên Sở Tư pháp vẫn chưa có văn bản báo cáo, tham mưu hướng xử lý đối với số hợp đồng nêu trên. Và đó chính là lý do khiến cho chính quyền tỉnh cho đến giờ vẫn chưa thể đưa ra phương án xử lý số giáo viên dôi dư.

3.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà: Hiện tỉnh vẫn chưa có phương án giải quyết số giáo viên dôi dư ở huyện huyện Krông Pắk vì chưa có đủ báo cáo của các sở, ngành liên quan

 

Được biết, trong số 578 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk, có 208 người không đủ điều kiện thi tuyển vì không có chỉ tiêu biên chế năm 2017. UBND huyện Krông Pắk đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên này, nhưng sau đó UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng để tìm giải pháp hợp lý, nhân văn hơn.

Trong số 208 hợp đồng nêu trên, có những người do UBND huyện ký, một số khác do các hiệu trưởng tự tiếp nhận. Huyện Krông Pắk đã tập hợp số hợp đồng của các giáo viên này để gửi lên tỉnh cùng ý kiến đề xuất hướng xử lý. Các sở ngành cũng có tham mưu để có hướng giải quyết thấu đáo về biên chế, tài chính, chỉ tiêu từng môn...

1.jpg
Gần 600 giáo viên thuộc diện dôi dư ở huyện Krông Pắk đang nóng lòng muốn biết tương lai của mình sẽ ra sao?

 

Với vai trò của mình, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo về tính pháp lý từng loại hợp đồng (huyện ký hay hiệu trưởng tự ký), trên cơ sở đó phải có ý kiến tham mưu cách thức giải quyết đối với từng loại hợp đồng nêu trên.

Như vậy, sau khoảng 2 tháng kể từ khi UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với số giáo viên dôi dư, đến giờ số giáo viên này vẫn chưa biết rõ tương lai của mình sẽ ra sao.

Điều đáng chú ý là trong quá trình xử lý vụ việc dôi dư gần 600 giáo viên ở huyện Krông Pắk, nhiều người đã tố cáo phải “chung chi” những khoản tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cho một số nhân vật có chức quyền để “chạy” biên chế. Vừa qua, công an đã bắt tạm giam ông Huỳnh Bê, hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây và cách chức ông Phan Xuân Hạnh, nguyên hiệu trưởng trường THCS Ea Phê.

huynh-be.jpg
Sau ông Huỳnh Bê (ảnh), một hiệu trưởng khác là ông Phan Xuân Hạnh sẽ bị điều tra về việc nhận tiền "chạy" biên chế của giáo viên

 

Mới đây, Viện KSND huyện Krông Pắk đã có văn bản gửi Công an huyện đề nghị thụ lý điều tra dấu hiệu hình sự đối với ông Phan Xuân Hạnh về hành vi nhận 210 triệu đồng để "chạy việc".

Một nguồn tin từ địa phương cho biết, lẽ ra công an huyện Krông Pắk đã điều tra dấu hiệu hình sự đối với ông Phan Xuân Hạnh từ tháng 7/2017, nhưng do bị hại từ chối cung cấp thông tin, bằng chứng nên lúc bấy giờ, công an huyện không có cơ sở để tiến hành điều tra. Cho đến giờ, khi sự việc đã từng bước bị phanh phui, cơ quan chức năng mới chính thức điều tra hình sự đối với người này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm