Dự định kết hôn vào đầu năm 2020, anh H. đã đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Trước đó, anh hoàn toàn khỏe mạnh, không phát hiện bệnh lý nào. Vì thế, khi bác sĩ chẩn đoán anh bị dị tật tinh hoàn, có nốt bất thường tại bộ phận sinh dục, anh H. không khỏi choáng váng.
Bác sĩ Thân Ngọc Tuấn, Chuyên Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà bệnh viện gặp, rất nhiều bạn trẻ đến khám chỉ vì “khám cho xong” nhưng sau đó phát hiện ra không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hôn nhân sau này, đặc biệt là việc sinh con.
“Khi bệnh nhân H. đến khám thì tôi phát hiện ra tinh hoàn 2 bên của bệnh nhân nhỏ hơn so với độ tuổi nam giới trưởng thành. Đồng thời, gốc dương vật có 3 nốt dạng nhú. Sau đó, anh H., được tư vấn làm tinh dịch đồ và làm thêm xét nghiệm HPV để kiểm tra bệnh lây truyền do virus HPV gây ra”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Kết quả xét nghiệm của anh H. cho thấy, không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch; hormone nam bất thường… Hình ảnh tinh hoàn kích thước nhỏ hơn bình thường. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân H. bị hội chứng suy sinh dục tiên phát, theo dõi papiloma dương vật.
Khai thác tiền sử bệnh của anh H., bác sĩ biết được gia đình anh đều khỏe mạnh và không có ai điều trị vô sinh. Tuy nhiên, hồi bé anh H., từng mắc quai bị và có biến chứng viêm tinh hoàn nhưng gia đình không đi khám kiểm tra lại.
Nguyên nhân gây không có tinh trùng ở nam giới
Ngày nay, tỉ lệ nam giới vô sinh do không có tinh trùng chiếm khá cao. Theo bác sĩ Tuấn, nguyên nhân của tình trạng này phức tạp nhưng có 2 loại, gồm: Không tinh trùng do bít tắc đường dẫn tinh (mào tinh hoặc ống dẫn tinh) và không tinh trùng do vấn đề sinh tinh; hoặc mắc hội chứng Klinefelter; bị đột biến mất đoạn gene AZF trên nhánh dài nhiễm sắc thể giới tính Y.
Để làm rõ nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị kịp thời, anh H., được bác sĩ chỉ định làm thêm 2 xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân, đó là xét nghiệm nhiễm sắc thể đổ (Karyotype) và xét nghiệm đột biến mất đoạn gene AZF.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng vô sinh của bệnh nhân có thể do biến chứng của quai bị gây giảm kích thước tinh hoàn, gây xơ hóa các ống sinh tinh dẫn tới hormone FSH và LH tăng cao, ngược lại testosteron giảm rất thấp. Đây là trường hợp vô sinh nam - suy sinh dục tiên phát.
Muốn có con, nam giới không có tinh trùng cần làm gì?
Với những trường hợp như anh H. bác sĩ thường đưa hướng điều trị là dùng liệu pháp hormone thay thế bổ sung Testosteron để tránh hiện tượng suy giảm hormone nam gây ảnh hưởng tới sự phát triển các cơ quan khác trong cơ thể.
Đồng thời anh H., được tư vấn thực hiện tìm tinh trùng bằng phương pháp vi phẫu tinh hoàn (MicroTese). Tuy nhiên, khả năng thành công phẫu thuật vi phẫu của anh không cao do gần như các ống sinh tinh đã bị xơ hóa từ lâu.
Để cuộc sống hôn nhân viên mãn, bác sĩ Tuấn khuyên các cặp đôi nên tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi cưới ít nhất 3 - 6 tháng. Trước khi khám, cần ngừng sử dụng các chất kích thích rượu, bia, thuốc lá, cà phê… Nên đi khám sức khỏe vào buổi sáng và nhịn ăn trước khi lấy máu để kết quả xét nghiệm được chính xác. Nam giới nên kiêng xuất tinh 2 - 7 ngày để làm xét nghiệm tinh dịch đồ.
Bên cạnh đó, khi đi khám, người trong cuộc cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử hoạt động của cơ quan sinh dục (kinh nguyệt, xuất tinh...) và tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình (có bệnh di truyền hay không, đang điều trị bệnh gì không…).