Sau khi Bộ Tài nguyên – Môi trường có thông tin chính thức về vụ việc công ty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh đổ trái phép chất bùn thải trái của Formosa vào trang trại ở Kỳ Trinh (Kỳ Anh – Hà Tĩnh), đặc biệt là kết luận chất xyanua trong chất thải vượt ngưỡng cho phép khiến dư luận hết sức hoang mang.
Để làm rõ hơn sự nguy hại của chất xyanua, chúng tôi đã trao đổi với các nhà khoa học về điều này.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ vật lý, “Ông già Ozone” Nguyễn Văn Khải tỏ ra rất bức xúc trước thông tin doanh nghiệp Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh chôn lấp trái phép chất thải thải có chứa xyanua vào khu dân cư.
Theo TS. Khải, xyanua thường dùng trong công việc mạ kim. Cụ thể, khi mạ kim người ta loại bỏ các chất thải ra thì xyanua rơi lắng lại, còn các chất khác sẽ hòa tan. Như vậy, hoạt tính của xyanua là rất cao.
Ở Việt Nam, chất xyanua dùng trong khai thác vàng. Khi bới quặng lên, người ta dùng xyanua để rửa, làm tan các chất kim loại khác để lấy vàng tinh chất. “Điều đó có nghĩa là gì, xyanua còn làm tan được cả các chất kim loại, tạp chất thì chả lẽ dạ dày con người không bị hòa tan nếu ăn, uống có nhiễm chất xyanua?”, TS. Nguyễn Văn Khải phân tích.
Tiến sĩ này phân tích thêm, xyanua nó có thể loại bỏ các kim loại khác chỉ còn trơ lại vàng thì người dân ăn phải thì sẽ rất độc hại.
TS Khải lấy dẫn chứng tác hại của xyanua đối với môi trường ở Quảng Nam, nơi có những mỏ vàng. Việc dùng xyanua để để tẩy rửa vàng đã làm hỏng hết môi trường xung quanh. Điều đó cho thấy xyanua ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường.
TS. Nguyễn Văn Khải cho rằng, việc chôn lấp chất thải chứa xyanua vượt ngưỡng vào đất là tội ác dã man |
“Xyanua mà chôn vào đất, vào nguồn nước thì nguy hiểm vô cùng. Đấy là tội ác. Vì xyanua là chất độc hại, biết thế nhưng vẫn chôn vào đất để cho dân vùng đó bị ảnh hưởng thì quá là dã man. Sự việc công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh đổ chất thải chứa xyanua vượt ngưỡng vào đất, tôi cho đó là sự dã man", TS. Nguyễn Văn Khải bức xúc.
Liên quan đến sự việc này, TS. Khải đề nghị Bộ TNMT phải chỉ rõ ra tỉ lệ chất xyanua trong số chất thải của Formosa chôn trái phép là bao nhiêu? Khuyến cáo người dân ở khu vực đó như thế nào chứ không nêu chung chung là có chứa xyanua vượt ngưỡng.
Liên quan đến ảnh hưởng của chất độc xyanua đối với đời sống người dân, một chuyên gia về hóa học (xin giấu tên) cho biết, xyanua dễ hòa tan trong nước.
Theo vị này, thông thường trong công nghiệp, xyanua được điều chế bằng cách điều chế axit xianhiđric trước nhờ oxi hóa hỗn hợp khí mêtan - amoniac, sau đó cho phản ứng với kiềm để tạo ra muối xyanua. Các muối xyanua đều độc.
Trong tự nhiên, xyanua có trong một số hạt cây họ đậu, rau chân vịt, măng tre. Tuy nhiên, phần lớn xyanua thải ra môi trường đến từ hoạt động công nghiệp vì đây là hợp chất phổ biến dùng trong công nghiệp khai khoáng (khai thác vàng, bạc, đồng...) và luyện thép.
Xyanua là một chất cực độc. Khi vào cơ thể với hàm lượng lớn, xyanua sẽ lấy hết oxy gây ra hiện tượng ngạt thở, ngăn chặn chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Quá nhiều xyanua có thể gây chết người.
Chấn bùn thải của Formosa có chứa hàm lượng xyanua vượt ngưỡng chôn trái phép vào lòng đất khiến nhiều người dân lo lắng |
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chôn lấp trái phép hơn 100 tấn chất bùn thải của Formosa vào trang trại Hòa Xá (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh).
Ngay sau khi sự việc được phát hiện, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ. Bộ TNMT đã cử Đoàn công tác vào Hà Tĩnh để xác minh, làm rõ, lấy mẫu kiểm nghiệm hàm lượng chất độc hại.
Trưa 2/8/2016, Bộ TNMT đã có thông tin chính thức về vụ việc này, trong đó có kết luận trong chất bùn thải được chôn trái phép có chứa hàm lượng chất xyanua vượt ngưỡng cho phép. Liên quan đến vụ việc, Bộ TNMT đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, làm rõ.
PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.