pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chông chênh của đàn ông tuổi trung niên
Ảnh minh họa
Thanh Tâm thân mến!
Tôi vừa nhận được 1 bài học lớn cho bản thân, muốn chia sẻ nó cho những người đang rơi vào hoàn cảnh giống như tôi, để họ có thể suy nghĩ chín chắn hơn và hành động khác đi.
Hơn 40 tuổi, thất nghiệp rồi khởi nghiệp thất bại… tôi nhận ra, nếu tài khoản tích lũy của mình không đủ nhiều, từ vài tỉ đồng trở lên, thì đừng bao giờ từ bỏ công việc ở tầm tuổi này mà chưa có định hướng rõ ràng. Vài năm trước, tôi làm trưởng phòng marketing trong một công ty. Về cống hiến và năng lực, tôi tự tin mình là người hội tụ đầy đủ những phẩm chất cần có của 1 người lãnh đạo. Tôi tin rằng, mình sẽ còn vươn xa hơn nữa trong công việc. Tuy nhiên, chẳng ai đoán trước được điều gì. Tôi cứ nghĩ mình sẽ được bổ nhiệm lên chức Giám đốc bộ phận thì một thanh niên mới đi du học về, là người thân của Chủ tịch, được giới thiệu và bổ nhiệm ngay vào vị trí đó.
Tôi đã cống hiến gần 20 năm trong công ty này, luôn cố gắng trong công việc, vậy mà giờ đây lại bại trong tay một thanh niên vừa mới tốt nghiệp đại học. Làm việc cùng cậu ta một vài tháng, do không chịu được uất ức, tôi đã xin nghỉ việc. Khi đó tôi tự tin, với những kiến thức, kỹ năng mà mình đang có, tôi sẽ thành công dù mình lựa chọn đi theo con đường nào. Khi tôi viết đơn từ chức, bố mẹ và vợ tôi đã ra sức ngăn cản nhưng khi đó, vì lòng sĩ diện, tôi đã không nghe theo họ.
Khi nghỉ việc, vợ tôi đang làm giáo viên cho một trường tư thục, con gái lớn học lớp 6, con gái nhỏ học lớp 2. Tài khoản tiết kiệm lúc ấy của tôi là khoảng 500 triệu đồng. Tôi tự tin rằng, với kinh nghiệm đã có, tôi sẽ bắt tay khởi nghiệp và sớm thành công. Do có quen biết với nhiều giáo viên và có chút hiểu biết về giáo dục, tôi quyết tâm mở một trung tâm ngoại ngữ. Nghĩ là làm, với số tiền đang có, tôi đã vay thêm để mở trung tâm. Nào là thuê địa điểm, thiết kế nội thất, thuê giáo viên và quản lý… tưởng đơn giản mà khi bắt tay vào tôi mới thấy quá nhiều thứ cần phải lo.
Sau khi chuẩn bị hòm hòm mọi thứ, khâu đi tuyển sinh thực sự mới "khó nhằn". Khi khảo sát các trung tâm khác, tôi thấy lượng học sinh đến tham gia khá tốt. Nhưng không hiểu vì sao, dù tôi đã sử dụng các "chiêu" quảng bá và marketing khá bài bản về các khóa học ngoại ngữ cho trẻ nhỏ, tiếng Anh giao tiếp, luyện thi chứng chỉ các cấp độ… mà lượng học viên tới tham gia mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, khóa học online mà tôi nghĩ sẽ đắt khách lại chỉ lác đác một vài học viên đăng ký. Tháng đầu tiên, tôi chỉ tuyển được 10 học viên. Các tháng sau cũng chẳng nhiều hơn là mấy. Tôi rơi vào trạng thái bất lực và chán nản. Với tình trạng này, chỉ cần kéo dài thêm vài ba tháng là tôi không thể chống đỡ được với các chi phí về tiền thuê địa điểm và trả lương cho nhân viên… Kết quả, chẳng bao lâu sau, tôi đành phải đóng cửa trung tâm vì không thể gánh nổi lỗ.
Khởi nghiệp thất bại khiến tài khoản tiết kiệm của tôi chuyển sang "âm" nặng. Vì vợ tôi vẫn đi làm nên tạm thời vợ đang "gánh" cả nhà trên vai. Tôi biết điều này đang là quá sức với cô ấy. Tuy nhiên, tôi lại không hiểu bây giờ mình có thể làm được gì.
Thanh Tùng (Hà Nội)
Chào anh!
Thanh Tâm đọc thư anh như một lời tự sự hơn là cần tư vấn. Giờ, anh hãy ngừng trách móc bản thân và xin đi làm lại. Trước khi có ý tưởng khởi nghiệp mới, anh nên đi làm phụ vợ chi trả các chi phí sinh hoạt cũng như đóng học phí cho các con. Sau mỗi lần thất bại, ta lại có thêm 1 bài học. Anh đã nhận ra mình phải bình tĩnh, kiên trì và không hành động bồng bột. Với quyết tâm của mình, anh sẽ tìm ra hướng đi mới cho mình.