Chồng đơn phương ly dị vì... vợ đoảng

22/08/2018 - 20:42
“Vợ tôi thuộc dạng ngoan hiền, không ngoa ngoắt nhưng cách giao tiếp và hành xử trong gia đình thì tôi không tài nào chịu đựng thêm nổi...”
Chị Thẩm phán tòa án huyện Gia Lâm (Hà Nội) vẫn nhớ như in người đàn ông 29 tuổi đến tòa nộp đơn vào đầu mùa hè vừa qua, với nét mặt nhầu nhĩ, buồn bã, chỉ chực khóc khi tòa hỏi chuyện “đơn phương” ra tòa của anh.
 
Vẻ mệt mỏi cộng thêm sự bất lực khi anh chồng kể về “tật xấu” của vợ. “Vụ án này tuy mới nghe thì có phần đơn giản, thậm chí là hài hước, khi người chồng đâm đơn đòi ly hôn vợ trong hoàn cảnh “tình vẫn còn”, nhưng tinh thần của người đàn ông này đã quá mệt mỏi, kiệt quệ. Tòa phải mất 4 buổi phân tích riêng, rồi gặp chung hai vợ chồng để đối chất, hoà giải, mới thành công”, vị Thẩm phán tòa nhớ lại.
 
Trong buổi đầu tiên chia sẻ với Thẩm phán, anh Bùi Huy Trọng vẫn mong muốn được tòa tiến hành thủ tục sớm ly hôn vợ. Anh vẫn đôi lúc nghẹn ngào khi nhắc đến vợ và con gái yêu mới 2 tuổi: “Nếu ly hôn, tôi nhận nuôi con vì cô ấy cũng không chăm con nổi đâu, giao con cho cô ấy, lại khổ bà ngoại thôi. Nhưng để sống tiếp tục như hiện nay, tôi không thể cố gắng được nữa”. “Vậy anh còn yêu vợ không?”, Thẩm phán hỏi. Ngập ngừng giây lát, anh mới nói: “Kỳ thực tôi không ghét bỏ gì cô ấy, tôi vẫn còn yêu vợ, nhưng tôi quá mệt mỏi khi hàng ngày chứng kiến những lời nói vô duyên và nhiều việc làm vô ý của cô ấy. Nếu có nhắc nhở, phân tích để cô ấy sửa chữa thì cô ấy giận dỗi, khóc lóc, động tí là bỏ bố con tôi về nhà mẹ đẻ. Có khi ở nhà mẹ đẻ cả tuần, 2 tuần, nếu bố con tôi không sang xin lỗi, làm hoà, cô ấy cũng chả buồn về với chồng con. Nhiều lần, mẹ vợ cũng tâm sự, bảo tôi bỏ qua cho tính nết trẻ con của vợ (vợ kém anh 6 tuổi – PV), để mẹ khuyên bảo nó dần dần, nhưng nay đã 3 năm chung sống, cô ấy vẫn không suy chuyển chút nào”.
marriage-divorce_d6904734-6647-11e6-b372-5e31f535a023.jpg
Ảnh minh họa

 

Trước khi lấy nhau, anh cũng biết Ngọc (vợ anh) chỉ học hết cấp 1 rồi nghỉ học ở nhà làm ruộng với mẹ. Bố Ngọc mất sớm vì trọng bệnh, 2 mẹ con rau cháo nuôi nhau. Thương con gái nên bà mẹ cưng chiều quá.
 
Anh Trọng học nghề sửa xe máy, mở cửa hàng sửa xe ngay đầu làng. Một lần sửa xe đạp cho Ngọc, thấy cô dễ thương, hiền lành nên dò hỏi nhà và đến chơi với cô. Mọi câu nói thật và hành động mộc mạc của Ngọc lúc ấy lại khiến anh Trọng buồn cười, cảm mến. Không thể ngờ, lúc về chung sống thì nỗi chán ngán cứ mỗi ngày dâng lên.
 
Nhất là khi chị Ngọc sinh con gái đầu lòng, ngoài cho con bú mớm, thì mọi cái tã, bỉm, áo quần vứt la liệt khắp nhà, Ngọc không buồn dọn. Cốc sữa cho con uống xong không rửa ngay, để kiến cả đàn đến bu kín. Tháng vợ ở cữ, anh Trọng đã đóng cửa hàng cả tuần, rồi những ngày làm thì đóng cửa sớm hơn để về giặt giũ, cơm nước cho vợ con.
 
Nhưng sau tháng ở cữ, rồi con được 1 tuổi, hơn 1 tuổi, Ngọc vẫn thế. Mỗi lần đi làm về, nhắc vợ dọn nhà cửa cho gọn gàng, Ngọc đều dỗi dằn, không ăn cơm, cô bảo: “Chỉ bế con, cho con ăn, dỗ dành, chơi với con thôi, em đã mệt không còn thở được, anh có giỏi thì ở nhà mà vừa trông con, vừa làm hết việc nhà...”.
 
“Trong bữa cơm có bạn học của chồng đến chơi, mọi người đang nô đùa, trêu nhau, kể chuyện ngày xưa..., Ngọc không ngồi ăn cùng, dù chồng và các bạn có động viên kiểu gì đi nữa. Nhưng lúc sau, cô ấy lừ lừ ra nhặt chiếc dép đập ngay vào mặt chồng, vì lúc đó tôi đang cười rất to với các bạn”, anh Trọng kể.
 
“Có hôm, vợ chồng con cái tôi bồng bế nhau về nhà ngoại ăn giỗ, họ hàng, nội ngoại nhà vợ đầy đủ cả, chúng tôi ngồi cùng mâm ăn cơm và nói chuyện rôm rả, vợ bỗng dưng đòi bế con về. Lý do, vì vợ con đã ăn xong, không muốn ở lại. Tôi quá ngạc nhiên, vì đó là bữa cơm giỗ bên nhà vợ. Tôi bảo cô ấy cứ ở lại dọn dẹp cùng chị em cho vui, vậy mà cô ấy lại khóc tu tu, nói tôi không hiểu vợ, không thương vợ...”, anh Trọng trình bày trong nỗi thất vọng, hụt hẫng.
 
Cái quan trọng hơn là từ ngày lấy chồng, Ngọc chỉ về ở nhà chồng 7 ngày, mẹ chồng rất dễ tính, nên cho 2 vợ chồng ra ở riêng. Mẹ chồng chỉ dặn Ngọc, thi thoảng con điện thoại về nhà, rồi ngày nghỉ, lễ, Tết các con cho cháu về thăm ông bà là được rồi, không cần lo quà cáp này kia cho tốn kém, cứ để dành tiền nuôi con.
 
Vậy mà có đến nửa năm, Ngọc cũng không bao giờ gọi điện cho mẹ chồng hỏi thăm xã giao. Chỉ khi nào anh Trọng đưa vợ con ghé qua nhà mẹ 1 lúc thì được mà còn phải nịnh, dỗ khéo, Ngọc mới đi cùng anh về thăm mẹ. Anh nhắc Ngọc điện thoại về thăm mẹ chồng, Ngọc từ chối.
 
Có lần anh đưa vợ con về ngày Tết, muốn ăn cơm với mẹ già cho đỡ đơn côi. Mâm cơm mẹ chồng vừa bê ra, Ngọc cứ thế mặc quần áo rét, mũ nón ra xe đòi về bằng được. “Không biết khi vợ chồng tôi và cháu nội về rồi, mẹ tôi có ăn nổi miếng cơm không? Hôm đó, tôi đã viết đơn ly hôn vì quá thương mẹ tôi, nhưng nhìn con gái còn nhỏ dại, tôi lại chần chừ. Lần này, tôi không cố nhịn vợ thêm được nữa”, anh Trọng thở dài ngao ngán.
 
Sau 4 buổi nghe Thẩm phán phân tích thiệt hơn, chị Ngọc thừa nhận và hứa sẽ sửa chữa thiếu sót. Anh Trọng cũng cho vợ thêm cơ hội để hoàn thiện bản thân, thêm thời gian để chị biết lo lắng, thu vén cho mái ấm nhỏ của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm