Chồng mắc ung thư, vợ đi khám nhận hung tin, cảnh báo việc đàn ông hay làm dễ “đầu độc” cả nhà

LÊ PHƯƠNG.
18/08/2022 - 09:30
Chồng mắc ung thư, vợ đi khám nhận hung tin, cảnh báo việc đàn ông hay làm dễ “đầu độc” cả nhà
Dù đang khỏe mạnh nhưng đến viện kiểm tra sức khỏe, người phụ nữ Hà Nội bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán đã mắc ung thư, cần điều trị sớm.

TS.BS Vũ Duy Lâm - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, khoa mới tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân tên Nguyễn Thị Thanh (66 tuổi, ở Hà Nội) được chẩn đoán mắc ung thư trong khi sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, do trước đó chồng bà đi khám phát hiện mắc ung thư, do vậy bà lo lắng nên đi kiểm tra sức khỏe. Tại bệnh viện, bệnh nhân mong muốn được chụp cắt lớp vi tính (CLVT) liều thấp tầm soát ung thư. Được biết, chồng bà Thanh có thói quen hút thuốc lá nhiều năm.

Kết quả khá bất ngờ, qua phim chụp cho thấy bà Thanh có nốt mờ nhỏ đường kính 7mm nằm ở thùy giữa phổi phải cách màng phổi thành ngực bên 5mm. Ngoài ra, còn xuất hiện những hạch nhỏ trò (nhỏ hơn 10mm), các bác sĩ nghi ngờ là hạch di căn.

Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa và chỉ định làm sinh thiết. Tuy nhiên, do nốt mờ nhỏ, nằm sau xương sườn, sát màng phổi nên khả năng lấy được mẫu bệnh phẩm khó khăn, nguy cơ tràn khí và máu màng phổi cao.

Hình ảnh tổn thương trên phổi và các bác sĩ đánh dấu vùng tổn thương băng Xanhmetylen.

Trước tình hình người bệnh, bác sĩ Lâm đã quyết định dùng định vị bằng Xanh Metylen để đánh dấu vị trí nghi ngờ tổn thương. “Trên tiêu bản đại thể, tổn thương nằm gọn trong vùng đánh dấu bằng Xanhmetylen. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) xâm nhập tối thiểu. Kết quả nhuộm hóa mô miễn dịch là ung thư  biểu mô tuyến nguyên phát tại phổi. Bệnh nhân sau đó đã được tư vấn điều trị tại bệnh viện”, bác sĩ Lâm cho biết.

Theo bác sĩ Lâm, thực chất kỹ thuật đánh dầu nốt phổi qua da bằng Xanhmetylen dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính không mới, tuy nhiên tại Việt Nam ít được sử dụng. Đây là một kĩ thuật xâm lấn tối thiểu, an toàn, hiệu quả, chẩn đoán khá sớm ung thư phổi, giúp cho nhiều bệnh nhân được điều trị hiệu quả.

Ung thư phổi là căn bệnh thường gặp, yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này bao gồm ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, chất phóng xạ… Trong đó, hút thuốc lá được cho là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới căn bệnh này. Theo thống kê trên toàn thế giới có khoảng 10-15% người hút thuốc lá bị ung thư phổi. Ngoài ra, những người không trực tiếp hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, trong đó có ung thư phổi. 

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, quá trình hít phải khói thuốc lá (thụ động) cơ thể hoàn toàn có thể bị nhiễm các loại độc tố nguy hiểm gây hại cho sức khỏe như hợp chất hữu cơ benzopyrene, chì carbon monoxide, asen, amoniac, hợp chất hữu cơ Formaldehyde, xyanua... Các chất độc hại này từ không khí đi vào phổi và máu, khiến làm tăng nguy cơ mắc bệnh của nhiều người.

Đối với những người mắc ung thư phổi do hút thuốc lá hoặc có liên quan đến khói thuốc, nhất là phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị và đáp ứng điều trị sẽ khó khăn hơn. Bởi khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến phổi, nó còn làm tổn thương nhiều bộ phận cơ thể khác. Ngược lại, với những người mắc ưng thư phổi không liên quan đến khói thuốc thường sẽ có xu hướng đáp ứng điều trị tốt hơn, nhất là với những trường hợp được phát hiện sớm.

Do vậy, cách dự phòng đầu tiên với bệnh ung thư phổi là cần tránh xa khói thuốc lá (cả hút thuốc lá trực tiếp và thụ động). Mọi người cần tránh hút phải khói xe bụi khi tham gia thao thông bằng cách dùng khẩu trang, trong nhà nên có máy lọc không khí.

Bên cạnh đó, người dân nên tăng cường luyện tập thể thao để dự phòng ung thư, đặc biệt cần khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện ung thư sớm và điều trị được hiệu quả.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm