pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chồng nữ chiến sĩ đặc công nghẹn ngào kể chuyện vợ thường xuyên vắng nhà
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (thứ 5 từ phải qua) cùng Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chính ủy Binh chủng đặc công tặng quà cho các gia đình quân nhân tiêu biểu
Từ cô gái mảnh mai, con tôi đã trở thành nữ chiến sĩ mạnh mẽ
Trong buổi toạ đàm, các đại biểu đã nghe đại úy Phan Thế Tân - Đội trưởng đội 12, Lữ đoàn Đặc công nước 5 nhắc nhớ người mẹ già của mình ở quê nhà Quảng Nam: "Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đơn thân nuôi tôi khôn lớn. Xa mẹ đi công tác, mẹ ở nhà yếu đau bệnh tật thường xuyên, song lần nào gọi điện về, mẹ cũng động viên tôi phải khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không phải lo gì cho mẹ".
Đáp lại tấm tình của mẹ, đại uý Phan Thế Tân đã phấn đấu hết mình, với bề dày thành tích khen thưởng của các cấp trong quân đội và các loại huy chương võ chiến đấu tay không toàn quân, Giải 3 sáng kiến cải tiến toàn quân, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân làm quà tặng mẹ.
Đại diện cho khối quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng chiến đấu viên là hình ảnh của những "bông hồng thép" của Binh chủng đặc công. Có mặt tại khán phòng, bà Phạm Thị Thu Hồng, mẹ của thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Thùy Dung, chiến đấu viên, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 nghẹn ngào nói: "Dung là con gái út của tôi, mặc dù con đã tốt nghiệp đại học và đi làm 2 năm ổn định rồi, nhà tôi còn có anh trai của Dung cũng đang làm nhiệm vụ trong quân ngũ, nhưng con gái vẫn nghỉ làm, xin nhập ngũ vào Binh chủng đặc công để được phấn đấu, rèn luyện". "Tôi biết, với nam giới tập luyện ở đơn vị đặc công vất vả lắm, chắc chắn con gái sẽ không dễ dàng gì. Thật không ngờ, từ cô gái nhỏ bé, mảnh mai, nay con tôi đã trở thành nữ chiến sĩ mạnh mẽ, năng động. Tôi vô cùng tự hào về những gì con gái đang cống hiến cho quân đội, cho đơn vị cùng nhiều thành tích được các cấp chỉ huy khen thưởng" - bà Hồng tự hào nói.
Thay vợ vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm con
Còn anh Lê Công Thành, chồng của trung úy QNCN Nguyễn Thị Hải Linh, chiến đấu viên, Lữ đoàn đặc công biệt động 1, chia sẻ: "Ngay từ khi mới quen và yêu nhau, cho đến khi 2 vợ chồng về chung 1 nhà, rồi có con trai hơn 4 tuổi, chuyện vợ chồng xa nhau, cô ấy vắng nhà nhiều "như cơm bữa". Bản thân tôi cũng là quân nhân, hiểu phần nào sự vất vả, thử thách mà vợ trải qua. Mỗi khi vợ về nhà, tôi chỉ biết động viên tinh thần để cô ấy yên tâm công tác. Không ít lần, tôi nói thêm với bố mẹ 2 bên cảm thông và thấu hiểu công việc của vợ tôi hay vắng nhà, để tranh thủ sự hỗ trợ chăm cháu từ ông bà nội, ngoại".
"Mỗi lần vợ vắng nhà dài ngày, tôi đều thay vợ vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm con, đưa đón con đi lớp, cho con ăn, ngủ với đầy cảm xúc của "ông bố bỉm sữa". Lần gần nhất vợ tôi tham gia diễu binh cho lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cô ấy đi hơn 3 tháng không về, con tôi thi thoảng lại hỏi: "Bố ơi mẹ sắp về chưa?", "Bố ơi sao mẹ vẫn chưa về?"… Tôi biết con nhớ mẹ lắm, nhưng chỉ biết động viên con mỗi ngày, đợi mẹ về nhà với 2 bố con…" - anh Lê Công Thành kể.
Binh chủng đặc biệt quan tâm đến công tác hậu phương quân đội
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chính ủy Binh chủng Đặc công ghi nhận những cống hiến lớn lao, không ngại khó, ngại khổ trong rèn luyện, huấn luyện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Binh chủng nhiều năm qua.
Đại tá Hoàng Ngọc Thanh cho biết: "Trong những năm qua, Binh chủng Đặc công đặc biệt quan tâm đến công tác hậu phương quân đội. Binh chủng đã chỉ đạo các cấp uỷ trong toàn lực lượng nhanh chóng thực hiện hợp lý hoá gia đình ở các đơn vị. Thực tế là những năm gần đây, dù Binh chủng là lực lượng đặc biệt, luôn phải rèn luyện rất vất vả, gian khổ, nhưng số lượng các cán bộ, chiến sĩ tự nguyện nhập ngũ hoặc xin về đơn vị công tác ngày một nhiều hơn".
Đồng chí Phó Chính ủy Binh chủng nhấn mạnh: "Bên cạnh đó, chúng tôi rất quan tâm đến việc vun đắp hạnh phúc gia đình cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng. Binh chủng đã xin Bộ Quốc phòng đầu tư, xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, sĩ quan của Binh chủng. Vì với các sĩ quan mới ra trường, hầu hết đều vừa xây dựng gia đình riêng, các con còn rất nhỏ, công việc của vợ cũng chưa ổn định, thu nhập gia đình trẻ của các sĩ quan hầu hết còn hạn chế. Vì vậy, việc các gia đình sĩ quan trẻ được ở nhà công vụ sẽ giảm rất nhiều khó khăn, giúp anh chị em trong đơn vị yên tâm công tác".
"Mỗi lần gặp gỡ, chia sẻ với "hậu phương" của cán bộ, chiến sĩ là thêm một lần chúng tôi kéo gần khoảng cách gia đình của chiến sĩ với đơn vị, với tình quân - dân thêm gắn bó bền chặt hơn" - Phó chính uỷ Binh chủng đặc công nhận định.
Nhân dịp chào mừng Ngày gia đình Việt Nam, Binh chủng Đặc công đã trao tặng 20 phần quà ý nghĩa nhằm ghi nhận, động viên khích lệ "hậu phương" các gia đình quân nhân tiêu biểu của đơn vị.