Chốt phương án thi THPT Quốc gia 2017 vào chiều mai

27/09/2016 - 17:17
Còn rất nhiều ý kiến phản đối thi trắc nghiệm môn Toán nhưng phương án thi THPT quốc gia 2017 vẫn sẽ được Bộ GD&ĐT chốt vào ngày mai.

Trước đó, đầu tháng 9/2016, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi, trong đó trừ Ngữ văn, các môn còn lại đều thi bằng hình thức trắc nghiệm. Một số môn thi sẽ được thay thế bằng bài thi tổng hợp bao gồm bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, địa lý, Giáo dục công dân). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo dục công dân chính thức có tên trong cơ cấu môn thi.

Một trong những phương án gây tranh cãi nhiều nhất là thay đổi hình thức thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm. Trong đó, Hội Toán học Việt Nam kiến nghị giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn toán và đề nghị có cuộc đối thoại giữa hội và các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách về vấn đề này.

Một số chuyên gia cho rằng, thi trắc nghiệm phù hợp cho kỳ thi tuyển chọn số đông và yêu cầu kiến thức rất cơ bản và rất chắc chắn. Để đánh giá số đông tại một thời điểm ngắn thì phương thức trắc nghiệm là hợp lý nhất. GS Đào Trọng Thi cho rằng, kinh nghiệm thế giới cho thấy hình thức thi trắc nghiệm môn Toán thường được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT cũng như phần lớn các kỳ thi tuyển chọn số đông như tuyển sinh đại học nhưng chưa hiệu quả khi cần đánh giá năng lực vượt trội, đỉnh cao như thi học sinh giỏi.

Phần lớn học sinh đều lo lắng về cách thay đổi thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm. Ảnh: Đ.H.

“Trong trường hợp cần đánh giá năng lực Toán vượt trội, bài thi trắc nghiệm chỉ để sàng lọc sơ bộ, sau đó vẫn cần một bài thi theo hình thức tự luận hoặc vấn đáp để xác định người thắng cuộc” - GS Đào Trọng Thi cho biết.

Trong khi đó, phần lớn học sinh, giáo viên đều tỏ ra hoang mang khi lâu nay đã mặc định và ôn tập theo hình thức thi tự luận. Một số ý kiến cho rằng, nếu thi trắc nghiệm Toán, sẽ khó để tìm ra những “hạt nhân” toán học bởi khó tìm kiếm được tư duy toán học về chiều sâu nếu chỉ thông qua những câu hỏi trắc nghiệm.

Ngoài ra, việc thay đổi cách học, cách ôn tập để phù hợp với yêu cầu một bài thi trắc nghiệm là trở ngại không nhỏ với nhiều thầy cô giáo và học sinh trong giai đoạn nước rút này.

Thời điểm này, trước những băn khoăn lo ngại từ phía các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh, học sinh, Bộ GD&ĐT vẫn đưa ra nhiều ý kiến để bảo lưu cho phương án thi trắc nghiệm Toán. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan (TNKQ). Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường đại học của Hoa Kỳ.

“Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. Trong các các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh” - Thứ trưởng Ga nói.

Tuy điều ông Ga nói là có cơ sở, nhưng vẫn còn quá nhiều ý kiến phản đối phương án này vì lo ngại sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, gây hoang mang trong xã hội vì thời gian chuẩn bị cho thay đổi này quá ngắn ngủi.

Dự kiến, vào 16h chiều mai 28/9, Bộ GD&ĐT sẽ họp báo công bố chính thức phương án thi THPT Quốc gia 2017.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm