Chính trị - Xã hội

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Tiềm năng và vai trò của phụ nữ trong khoa học vô cùng lớn

04/03/2019 - 08:34 PM
Tại Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 và Giao lưu giữa các nhà khoa học nữ với sinh viên do Hội LHPN Việt Nam tổ chức chiều ngày 4/3/2019 ở ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN, đã chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và sự quan tâm của Hội LHPNVN để phát triển đội ngũ các nhà khoa học nữ.

MC: Kính thưa Chị, là một lãnh đạo nữ và cũng là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội, Chị cảm nhận, ấn tượng như thế nào đối với những người phụ nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và Chị có thể chia sẻ những việc mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm để phát triển đội ngũ các nhà khoa học nữ, nhằm phát huy hết tiềm năng, góp phần phát triển đất nước?

 

- Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Kính thưa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cô, các chị, các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên.

Với đội ngũ nữ khoa học, nữ trí thức nước nhà, đặc biệt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, chúng ta có rất nhiều những tấm gương tiêu biểu. Trong bài phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, cũng đã nói, ngay từ cuối thế kỷ thứ 16, nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ đã giả trai để thi; hay nữ GS.TS sĩ Hoàng Xuân Sính là một trong những nữ GS.TS Toán học người nước ngoài đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Paris. Và cái quan trọng hơn là bà đã viết luận án trong ánh đèn dầu leo lét ở 1 ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ. Ở đây (trong hội trường này - PV) cũng có GS.TS Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, là 1 trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Hóa - Sinh ở Việt Nam, người có rất nhiều đóng góp cho khoa học ngành Hóa - Sinh cũng như sự phát triển của đội ngũ trí thức.

 

_mg_4127.JPG
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà (giữa), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN, chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Hải Hòa

 

Cũng còn rất nhiều những tấm gương khác nữa, ví dụ như PGS.TS Phạm Thị Hòe - Chủ tịch tập đoàn Sơn Kova. Hiện Tập đoàn của chị đã phát triển đến 3 quốc gia trên thế giới là Singapore, Malaysia và Campuchia. Ngay trong giải thưởng của chúng ta, qua 33 lần xét giải, đã có 18 tập thể và 47 cá nhân được trao thưởng. Tôi tin chắc rằng với chị Lan, chị Hà (những người được trao thưởng Giải Kovalevskaia năm 2018 - PV) và rất nhiều chị em đạt giải thưởng, đó là cả sự đam mê, nhiệt huyết, nỗ lực cực kỳ ấn tượng và xuất sắc. Tôi thấy rất khâm phục, tự hào và ấn tượng về các chị.

Bản thân tôi cũng là phụ nữ, là một người mẹ, người vợ. Lúc nãy, anh Văn (GS.TS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - PV) có nói là “nam hay nữ thì nhà khoa học nào khó khăn hơn?”. Ở đây tôi không nói là hơn hay kém nhưng chắc chắn, nhà khoa học nữ thì có những đặc thù. Như anh Văn, anh Nghĩa, khi mà xách vali lên đường đi nghiên cứu thì bước chân các anh sẽ thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn nhưng đối với chị em chúng tôi, bước chân sẽ bị níu lại bởi những lo toan cho chồng cho con và bao việc khác nữa mà chỉ có chị em phụ nữ chúng tôi mới thực sự hiểu.

Thực tế, tiềm năng và vai trò của phụ nữ trong khoa học là vô cùng lớn và đặc biệt là trong khoa học tự nhiên. 

Trước khi lên đây (sân khấu giao lưu - PV), tôi có phỏng vấn anh Nghĩa, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên “hiện nay nữ sinh của ĐH KHTN là bao nhiêu thì anh Nghĩa nói rằng, khoảng 61%. Và cũng xin báo cáo với tất cả các thầy cô và các anh các chị, nếu tính tỷ lệ nữ trong ĐH nói chung, thậm chí còn nhiều hơn nam giới. Đến khi học thạc sĩ thì con số khoảng hơn 40% là nữ. Có nghĩa là, càng ở trình độ cao thì tỉ lệ nữ càng thấp. Điều này cho thấy, rõ ràng tiềm năng của phụ nữ là rất lớn nhưng họ đã gặp những rào cản, khó khăn. Vì vậy, có thể nói, vai trò lớn, tiềm năng lớn nhưng câu chuyện đặt ra là vì sao chúng ta chưa phát huy được hết, vì sao chúng ta còn rất ít nhà khoa học nữ trong lĩnh vực KHTN?

Gần đây, tôi có đọc 1 nghiên cứu, dù số liệu và thời gian hơi cũ, từ năm 2014 nhưng từ đó đến nay chưa thấy có số liệu mới. Nghiên cứu có nói là, trong KHTN và trong ngành an ninh, quân đội, tỉ lệ nữ chỉ chiếm khoảng 3%; trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng chiếm 12% và trong một số các lĩnh vực khác chiếm chỉ 9-10%. Con số này rất rất thấp, cho thấy rằng, vai trò của phụ nữ vô cùng to lớn nhưng tiềm năng chưa được đánh thức.

Trong cả nhiệm kỳ vừa rồi cũng như từ năm 2000 đến nay, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hoạt động hướng tới đội ngũ nữ trí thức và đội ngũ khoa học nữ. Hội LHPN Việt Nam là tổ chức bảo trợ để thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam - một thành viên trực thuộc Hội LHPN Việt Nam; đồng thời tổ chức rất nhiều các diễn đàn để giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, ví dụ như diễn đàn ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 2018 vừa rồi. Hội cũng rất phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ của tổ chức mình đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học nữ…

Ngay trong Chỉ thị 21 về công tác cán bộ nữ của Ban Bí thư ban hành năm 2018, có 1 ý là, hướng đến việc bên cạnh nhóm phụ nữ yếu thế cần hỗ trợ thì về mặt chủ chương, Đảng và Nhà nước cũng rất muốn phát huy vai trò của nhóm phụ nữ tiên phong, phụ nữ tiến bộ bao gồm nữ trí thức, nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo, quản lý, khoa học và trong đó đặc biệt là các nhà khoa học tự nhiên. Vì vậy, vai trò kết nối, hỗ trợ, chúng tôi đã làm rất nhiều. Chúng tôi cũng có những hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam để làm sao đưa những sản phẩm của các nhà nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn. Có thể nói, hướng đi này rất tốt. Hiện có khoảng 70% dân số ở nông thôn, trong đó có rất nhiều phụ nữ. Nếu phụ nữ ở nông thôn có thể kết nối trực tiếp với các nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì quả là điều rất tốt.

Về phía Hội, chúng tôi tổ chức những giải thưởng dành riêng cho phụ nữ như: Giải thưởng Kovalevskaia dành riêng cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam dành cho tất cả các nhà khoa học nữ, phụ nữ xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực; Giải thưởng  tài năng nữ cũng như rất nhiều các giải thưởng khác. Chúng tôi cũng dành sự tôn vinh, động viên đối với nữ trong sự phát triển toàn diện nói chung.

Tuy nhiên hiện nay, thành thật mà nói, điều mà chúng tôi còn vô cùng trăn trở và cảm thấy còn đang nợ đội ngũ nữ trí thức, các nhà khoa học nữ là chính sách đối với họ. Chúng tôi đã làm rất nhiều các nghiên cứu. Cũng như anh Văn đã nói, trong khoa học, không có cái chuẩn riêng nào dành cho phụ nữ, cái chuẩn trong nghiên cứu khoa học dành chung cho cả nam và nữ. Song, phụ nữ có những đặc thù, khó khăn riêng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các ban ngành quan tâm hơn nữa đến việc đề xuất chính sách dành cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nữ.

Tôi gửi gắm tình cảm, trách nhiệm, sự tin tưởng của Hội LHPN Việt Nam đối với tất cả chị em phụ nữ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ, khoa học tự nhiên. Xin gửi lời chúc mừng 8/3 tới tất cả chị em phụ nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn