pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp bộ máy

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 44
Sáng nay (14/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 44. Phiên họp dự kiến tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 (3,5 ngày): từ ngày 14-17/4/2025 (dự phòng: từ 18 - 21/4/2025); đợt 2 (5,5 ngày): ngày 22 - sáng ngày 28/4/2025.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định 42 nhóm nội dung; trong đó 24 nhóm nội dung về công tác lập Hiến, lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác và 8 nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời cho ý kiến, xem xét, quyết định bằng văn bản đối với 5 nhóm nội dung khác.
Đặc biệt, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ đề nghị: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Phiên họp
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng với khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, theo Kết luận số 126, 127 của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bên cạnh đó, có nhiều nội dung cần xem xét để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan đang rất nỗ lực triển khai các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực để chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ với Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và phát triển kinh tế, ví dụ liên quan đến các chính sách miễn, giảm, giãn thuế đối với các doanh nghiệp Mỹ...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Khối lượng công việc rất lớn, đang gây quá tải cho cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đề nghị đối với những nội dung chưa gấp, không liên quan đến sắp xếp bộ máy, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, Chính phủ cân nhắc chưa bổ sung vào Kỳ họp này hoặc phải chuẩn bị hoàn thiện thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng mới đề nghị bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là giai đoạn "nước rút" để hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, do phiên họp kết thúc sát ngày khai mạc Kỳ họp nên ngay sau khi kết thúc mỗi nội dung, các cơ quan cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện, bám sát định hướng của Hội nghị Trung ương 11, kịp thời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án: (1) Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); (2) Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Luật Dẫn độ; (4) Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (5) Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; (6) Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; (7) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; (9) Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); (10) Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); (11) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (12) Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Đồng thời xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng khác