Sau khi có văn bản của UBND xã Minh Côi (Hạ Hòa, Phú Thọ) yêu cầu di dời đàn ong ra khỏi địa phương vì phá hoại hoa màu khiến dư luận xôn xao và có nhiều ý trái chiều. Người bị buộc di dời đàn ong ra khỏi địa phương cũng đã đăng tải văn bản “cưỡng chế” lên mạng xã hội càng khiến sự việc thêm “nóng”. Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, việc cưỡng chế đàn ong vì phá hoại hoa màu là điều…điên rồ, trái với đặc điểm sinh học của loài ong. “Ong làm nhiệm vụ thụ phấn cho cây trái, sao lại đuổi đàn ong đi nhỉ. Có gì mờ ám bên trong đó hay sao?”, một người nêu ý kiến.
Vì sao chính quyền xã Minh Côi (Hạ Hòa, Phú Thọ) lại ra văn bản đuổi đàn ong ra khỏi địa phương?
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Kim Lợi, Chủ tịch UBND xã Minh Côi. Giải thích về quyết định “cưỡng chế”, di dời đàn ong, ông Lợi cho rằng, đàn ong trên khoảng 50 tổ, do một người dân ở huyện Đoan Hùng đến nuôi tại vườn của nhà ông Hồ Văn Thông (khu 7, xã Minh Côi) từ nhiều tháng nay.
Tuy nhiên, người này không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không thông qua chính quyền địa phương. “Đây là loài ong ngoại lai, không phải ong nhà như những người dân địa phương nuôi. Nên loài ong này rất hung dữ, bẻ hết cờ ngô của nhân dân. Đặc biệt, đây là giai đoạn ngô, lúa đang trổ cờ nên buộc chúng tôi phải cưỡng chế, di dời”, Chủ tịch UBND Minh Côi nói.
Cũng theo giải thích của người đứng đầu UBND xã Minh Côi, không phải địa phương gây khó khăn cho người dân trong việc nuôi ong. Nếu bình thường, không phải mùa ngô, lúa trổ cờ thì bình thường thì có thể không vấn đề gì. Hoặc nếu đấy là ong ta thì địa phương khuyến khích, bởi ong bình thường có tác dụng thụ phấn, có lợi cho cây trái. Tuy nhiên, loài ong ngoại lai thì cần phải thận trọng.
“Địa phương khuyến khích người dân nuôi ong, phát triển kinh tế nhiều thành phần chứ có ai cấm nuôi ong đâu. Nhưng ong có hai loại, loại ong ngoại lai kia phàm ăn, phá hoại hoa màu ghê lắm. Khi cưỡng chế, chúng tôi cũng đã tham khảo các xã trên địa bàn, các xã khác đều không chấp nhận cho ong ngoại lai nuôi vào mùa lúa, ngô trổ cờ”, ông Hồ Kim Lợi nhấn mạnh.
Trước đó, tại một số địa phương, người dân đã tự ý đập phá, hủy hoại đàn ong của những người nuôi ong du cư trên địa bàn vì cho rằng ong hủy hoại hoa màu. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, ong có vai trò quan trọng trong việc thụ phấn, nuôi ong mang hiệu quả kinh tế cao, cần được khuyến khích và bảo vệ.