pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chưa muốn kết hôn, phụ nữ Hàn Quốc đi đông lạnh trứng
Nhu cầu tư vấn về phương pháp đông lạnh trứng gia tăng
Lee Jang-mi, một nhân viên văn phòng 34 tuổi ở thủ đô Seoul, thừa nhận mình phù hợp với khuôn mẫu của một người phụ nữ Hàn Quốc độc thân, không con. Mặc dù đang hẹn hò, song cô Lee vẫn chưa muốn kết hôn và ngần ngại lập gia đình, coi căng thẳng tài chính là mối quan tâm lớn. "Tôi là một trong những người không muốn có con. Bởi tôi nghĩ nuôi dạy con cái là một gánh nặng rất lớn", Lee nói.
Tuy nhiên, quan điểm của Lee đã thay đổi sau khi cô tình cờ vào một cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ tạm thời) và thấy quảng cáo về phương pháp đông lạnh trứng được mở cửa gần ga Seongsu ở Seongsu-dong - một khu phố nhộn nhịp tại Seoul.
Cô tìm hiểu thêm về phương pháp đông lạnh trứng - một thủ thuật y tế nhằm bảo vệ khả năng sinh sản của phụ nữ. "Nó thực sự là một ý tưởng hay. Nếu một ngày nào đó bạn hối hận về quyết định không sinh con của mình thì lúc ấy đã quá muộn để thay đổi quyết định", Lee chia sẻ.
Trung tâm này do Bệnh viện phụ sản Maria mở, đây là bệnh viện nổi tiếng ở Seoul chuyên điều trị hiếm muộn. Nơi này thu hút 14.000 lượt khách trong 3 tuần đến tìm kiếm thông tin về quy trình đông lạnh trứng.
Trái với quan niệm phổ biến về việc trữ đông trứng chỉ dành cho phụ nữ hiếm muộn ở độ tuổi cao, đa số khách hàng đến đây là những cô gái trẻ từ 20 đến đầu 30 tuổi, thậm chí nhiều người chưa kết hôn hoặc mới cưới.
Bác sĩ Lee Jae-eun cho biết, trữ đông trứng sẽ giúp những người kết hôn muộn có cơ hội làm mẹ trong tương lai. Bác sĩ Lee Jae-eun giải thích khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo độ tuổi. Cụ thể, tỷ lệ mang thai thành công ở phụ nữ 20-24 tuổi là 100%.
Tuy nhiên, khi bước sang độ tuổi 40-44, tỷ lệ này giảm xuống dưới một nửa và nguy cơ sảy thai tăng gấp đôi. Phụ nữ sinh ra có khoảng 1 đến 2 triệu trứng, song số lượng giảm dần theo tuổi tác. Đó là lý do bác sĩ khuyên nên đông lạnh trứng trước đối với những người cân nhắc kết hôn hoặc sinh con muộn.
Lee Chae-rin (31 tuổi) đã đông lạnh trứng của mình cách đây 2 năm và cho biết điều này mang lại cho cô nhiều tự do hơn để tận hưởng cuộc sống độc thân. Còn Kim Ye-ji (21 tuổi) chia sẻ: "Tôi muốn kết hôn và sinh con khi đã ổn định sự nghiệp hơn. Đông lạnh trứng giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn khi muốn có con sau này".
Theo khảo sát do Trung tâm Y tế CHA thực hiện, 69,8% phụ nữ chưa kết hôn và 64% phụ nữ đã kết hôn ở Hàn Quốc sẵn sàng bảo quản trứng. Còn theo dữ liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi, số lượng trứng đông lạnh được lưu trữ tại các bệnh viện và trung tâm y tế trên toàn quốc đã tăng gấp 2 lần chỉ trong vòng 3 năm, từ 44.122 quả vào năm 2020 lên đến 105.523 quả vào năm 2023.
Chi phí để thực hiện thủ thuật lấy trứng khoảng 3 triệu won (55 triệu đồng), chưa kể phí lưu trữ hàng năm dao động từ 200.000 won (3,7 triệu đồng) đến 300.000 won (5,5 triệu đồng) cho mỗi lần bảo quản.
Hỗ trợ để tăng tỷ suất sinh
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số lượng các thủ thuật đông lạnh trứng đã tăng gấp 3 lần từ năm 2019 đến 2023. Nhu cầu tăng này có thể một phần là do trợ cấp của chính quyền thành phố Seoul chi trả một phần chi phí đông lạnh trứng cho phụ nữ.
Từ ngày 1/9/2023, chính quyền thủ đô Seoul bắt đầu hỗ trợ kinh phí cho 300 phụ nữ muốn đông lạnh trứng. Theo đó, tất cả phụ nữ có quốc tịch Hàn Quốc cư trú tại Seoul trong độ tuổi sinh đẻ: từ 20 đến 49 tuổi đều đủ điều kiện nộp đơn xin hỗ trợ nếu họ đã cư trú ở Seoul hơn 6 tháng và mong muốn có con ngay hoặc trong tương lai.
Khoản tiền hỗ trợ trữ đông trứng là 2 triệu Won (khoảng 36 triệu đồng). Ngoài ra, phụ nữ có quốc tịch nước ngoài có thể đăng ký chương trình hỗ trợ nếu họ đã kết hôn và có chồng là công dân Hàn Quốc.
Đây là một trong số nhiều bước mà các quan chức Hàn Quốc đang thực hiện để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm nhanh mà họ coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, vốn đã thấp nhất thế giới, đã giảm xuống mức kỷ lục 0,72 vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là trung bình 1 phụ nữ dự kiến sẽ sinh ít con hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số.
"Khi độ tuổi kết hôn và mang thai tiếp tục tăng lên, cũng như vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng nổi bật, những người chưa kết hôn mong muốn thụ thai và sinh con trong tương lai đang quan tâm nhiều hơn đến trữ đông trứng", chính quyền thành phố Seoul giải thích.
Ông Lim Tae-won - Phó Chủ tịch Bệnh viện Maria - cho biết, ông hy vọng việc đông lạnh trứng sẽ trở thành một phần của giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc. "Về cơ bản, chúng tôi nghĩ rằng nhiều người muốn có con nhưng không phải ngay bây giờ", Lim nói.
Theo ông Lim, nhiều phụ nữ trẻ ưu tiên cuộc sống của mình hơn việc có con. Phụ nữ Hàn Quốc thường viện dẫn chi phí chăm sóc trẻ em cao, giờ làm việc căng thẳng và phân biệt giới tính tại nơi làm việc là những rào cản đối với việc lập gia đình. Bằng cách đông lạnh trứng ở gần thời điểm sinh sản cao nhất, phụ nữ có thể sử dụng chúng để mang thai sau này thông qua thụ tinh trong ống nghiệm.
Chia sẻ quan điểm trước những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc trong việc giải quyết bài toán giảm tỷ suất sinh, Hyeyoung Woo - Giáo sư xã hội học chuyên nghiên cứu về gia đình Hàn Quốc ở Đại học bang Portland (Mỹ) - cho rằng: "Việc hỗ trợ đông lạnh trứng không thể giải quyết triệt để tỷ lệ sinh thấp hiện nay ở Hàn Quốc".
Bà Woo nhận định, muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh hiệu quả, Hàn Quốc cần khuyến khích thanh niên kết hôn, cũng như hỗ trợ các gia đình sinh thêm con bằng chính sách phúc lợi về nhà ở, thuế, chăm sóc trẻ em và nghỉ thai sản…
Ngoài ra, Hàn Quốc cần cởi mở hơn đối với các hình thức gia đình đa dạng, giúp đỡ người làm cha mẹ đơn thân và các đôi hôn nhân đồng giới nếu họ muốn sinh con.