Chùa Trầm được xây bởi 1 phụ nữ

09/01/2017 - 14:08
Đó là bà Trần Thị Thọ, một người phụ nữ giàu có, hiền thục ở xứ Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

Bà Trần Thị Thọ sinh năm 1851, người làng Trung Tín, tổng Bình Trung, tỉnh Vĩnh Long; dân gian thường gọi là xứ Vũng Liêm. Bà là một người phụ nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà phú hào giàu có. Khi trưởng thành, bà được gả làm vợ sau của quan Đốc phủ Nguyễn Duy Tân. Có lẽ phụ nữ hồng nhan thường bạc phận, chỉ sau một thời gian ngắn lấy chồng, bà đã phải chịu cảnh góa bụa. Một quả phụ trẻ đẹp giàu có, không có con cái, lại phải gánh vác cả giang sơn nhà chồng thật chẳng dễ dàng. Tuy vậy, là người phụ nữ đảm đang nên nhà cửa điền sản bà sắp đặt trong ngoài chu đáo, ruộng đất thẳng cánh cò bay nên gia đình bà có rất nhiều tá điền. Là địa chủ nhưng bà sống rất đức độ, luôn quan tâm đến cuộc sống của những người giúp việc trong nhà và tá điền của mình, lại luôn sẵn lòng giúp đỡ nên được họ yêu mến, hết lòng phục tùng.

Không chỉ chăm lo việc trong ngoài của gia đình, bà Thọ còn mở lòng mình với những mảnh đời khốn khó trong xã hội. Năm 1924, khi Bắc Kỳ gặp thiên tai, bão lụt triền miên, còn Trung Kỳ lụt lội, nhất là hai tỉnh Phú Yên, Bình Định, người dân khốn cùng trong cảnh đói nghèo, bà quyên góp mỗi nơi một số tiền lớn, nhờ chính quyền chuyển đến cứu giúp cho dân. Không chỉ vậy, bà còn tự mình đến tận nơi để chia sẻ những khó khăn mất mát với đồng bào ruột thịt đang trong cơn hoạn nạn.

vng-lim.jpg
 Vùng đất Vũng Liêm trù phú là quê hương của bà Trần Thị Thọ.

Cảm nhận được nỗi bất trắc sinh lão bệnh tử của đời người, nhất là đối với người phụ nữ trong cơn vượt cạn hiểm nguy và những người già yếu, ốm đau nên bà đã bỏ ra một số tiền lớn hơn 10.000 đồng Đông Dương xin phép nhà nước mở một nhà bảo sanh và một nhà dưỡng lão ngay tại quê nhà, ngay trên chính đất đai của gia đình.

Khi Hội khai trí Tiến Đức được thành lập ở Bắc Kỳ nhằm mục đích mở mang dân trí, khai sáng văn minh, bà cũng nhiệt tâm góp tiền tài trợ.

Son phấn cũng chen đường tiến hóa

Tiên rồng càng rạng vẻ văn minh

Treo tranh nữ giới lồng gương sáng

Đối với trời Nam bóng thọ tinh…

Đó là những câu thơ trích từ một bài thơ ca tụng bà Trần Thị Thọ của Nguyễn Đình Cửu ở phố Hàng Thiếc sáng tác năm 1921 khi bà quyên tiền đóng góp cho Hội khai trí Tiến Đức và giúp cho nhà hộ sinh làng Phương Trung, Hà Đông – nơi cách bà sinh sống hàng ngàn cây số.

Không chỉ lo cho phần đời, bà Thọ còn chu toàn phần đạo. Bà cho xây dựng nhiều chùa ở Vũng Liêm, xây chùa Trầm ở tận Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) rồi cho trùng tu đền đài, miếu mạo ở nhiều nơi trên cả nước.

zp0tlfja.jpg
 Chùa Trầm thuộc Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) - ảnh: TTO

Lòng thành và công đức của bà Trần Thị Thọ vang khắp 3 miền. Năm 1916, bà được vua Duy Tân ban thưởng kim bội. Đến năm 1918 bà lại được vua Khải Định ban kim bài có đề 4 chữ ‘Háo nghĩa khả gia’. Ngoài ra, bà còn được chính phủ Pháp tặng thưởng nhiều huân chương khác để ghi nhớ tấm lòng bác ái cứu giúp những người hoạn nạn không chỉ ở Việt Nam mà còn tận bên trời Tây. Cảm kích tấm lòng vì cộng đồng của bà Trần Thị Thọ, nhiều tác giả miền Bắc cũng sáng tác văn thơ ca ngợi:

Ấy cũng môi son cũng má hồng

Tiếng lừng ngoài Bắc khắp Nam Trung

Sẵn lòng yêu giống mong nòi khá

Vì nghĩa đem tiền giúp việc công

Há những tu mi là khí khái

Mới hay cân quắc cũng anh hùng

Làm gương cho khách soi kim cổ

Công đức như bà có hiếm không?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm